Trong danh sách những cự phú hàng đầu thế giới do tạp chí uy tín Forbes công bố ngày 4/3/2013, những vị trí đầu bảng hầu như không thay đổi. Đó vẫn là những gương mặt quen thuộc như Carlos Clim (Mexico, 73 tỉ USD, cao hơn năm trước 4 tỉ), Bill Gates (Mỹ, 67 tỉ USD, hơn năm trước 7 tỉ nhờ giá cổ phiếu Microsoft tăng)…
Duy có một điều làm cho người Việt cảm thấy thích thú xen lẫn tò mò: lần đầu tiên trong đội ngũ này giữa thanh thiên bạch nhật có một người Việt: doanh nhân Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn Vingroup.
“Ôi từ không đến có, xảy ra như thế nào”
Trong bài viết về Phạm Nhật Vượng, phóng viên tạp chí Forbes đã tỏ ra tất thích thú với câu tâm sự của nhà tỉ phú Việt này: “Tôi thích được nhấm nháp hạnh phúc lặng lẽ một mình”. Thực ra, người đàn ông ở tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” này không chỉ nhấm nháp hạnh phúc mới “lặng lẽ một mình”.
Dường như trong mọi công việc của cuộc đời, anh đều không muốn làm việc khoa trương ầm ĩ. Hình như là ở Việt Nam rất ít phóng viên có được cơ hội thực hiện phỏng vấn anh, mặc dù hoạt động của tổ chức kinh tế do anh điều hành luôn ở mức sôi động.
Không nhiều người biết được Phạm Nhật Vượng đã đi qua giai đoạn “Ôi từ không tới có,/ Xảy ra như thế nào” (thơ Xuân Diệu) thời trai trẻ. Hồ sơ doanh nhân của anh ghi cụ thể nhưng rất ngắn gọn về giai đoạn này.
Theo đó, chàng trai quê gốc ở Can Lộc, Hà Tĩnh, nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội sau khi tốt nghiệp phổ thông, nhờ những thành tích học tập xuất sắc, đã được chọn sang du học ở Moskva tại Trường Mỏ địa chất.
Năm 1993, ở thời điểm khi Liên bang Xô Viết đã tan rã với rất nhiều hệ lụy và cơ hội mới, Phạm Nhật Vượng sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế địa chất đã không lựa chọn nghề mỏ đã học mà bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, thoạt tiên ở chính thủ đô Nga rồi chuyển đến Ukraina, mở nhà hàng và thành lập Công ty Technocom tại cố đô Kharkov.
Chưa bao giờ Phạm Nhật Vượng kể với phóng viên về những khó khăn đoạn trường mà anh đã phải vượt qua để dựng nghiệp, nhưng ta có thể biết ít nhiều về giai đoạn này qua bài trả lời phỏng vấn của một trong những đồng đội thân cận của anh, cũng là doanh nhân lập nghiệp tại Ukraina, Lê Viết Lam, hiện đang đứng đầu một tập đoàn kinh tế cũng rất hoành tráng là Sun Group.
Năm 2007, Lê Viết Lam đã tâm sự với chính phóng viên của Chuyên đề ANTG tại Kharkov: “Moskva thời đó thường xuyên phải chịu các biến động, có lúc khá thuận lợi cho việc buôn bán của bà con mình. Nói một cách công bằng, bà con ta không phải là những người quá giỏi buôn bán nhưng do mình quen với cơ chế chợ từ nhỏ nên năng động hơn nhiều so với các cư dân Xô Viết cũ!
Tuy nhiên, tôi đã rất nhanh chóng nhận thấy rằng, môi trường Moskva không phù hợp lắm cho mình, bởi tại đó có quá nhiều sự cạnh tranh, quá nhiều “anh tài”, quá nhiều những người có sẵn vốn kinh doanh và các mối quan hệ từ trước khi mình bước chân vào DOM5 (trung tâm buôn bán sầm uất nhất Moskva của bà con người Việt lúc đó)... Nếu mình cứ tiếp tục làm ăn theo lối cò con, “du kích” thì sẽ khó mà ngóc lên được.
Hơn nữa, tình hình an ninh ở Moskva lúc đó không được đảm bảo tốt lắm, mọi người ai cũng nơm nớp lo bị trấn lột, cướp bóc... Bản thân tôi lúc đó nghe chuông điện thoại réo phải nhìn thấy số quen thì mới bốc máy… Rồi mỗi khi có ai gõ cửa phòng, phải nhìn qua lỗ kiểm tra, thấy mặt quen mới mở cửa...
Thế là tới tháng 8/1993, tôi theo anh Phạm Nhật Vượng, người quen biết từ lúc học tiếng Nga ở Thanh Xuân trước khi sang Moskva du học, về Kharkov…”.
Ở Kharkov, Phạm Nhật Vượng cùng những bạn bè tin cậy đã triển khai mô hình kinh doanh chợ như ở Moskva. Lê Viết Lam kể tiếp: “Anh Vượng làm giám đốc, còn tôi giúp việc cho anh ấy, cũng là làm công ăn lương thôi. Dần dà cũng mở ra được các quan hệ với cộng đồng, với chính quyền sở tại...
Năm 1996, chúng tôi đã lập ra chợ Barabarosha rộng tới cả chục hécta, dành cho bà con người Việt và cả những người dân địa phương tới buôn bán. Kharkov ngày càng thu hút được đông anh em mình từ các nơi khác, như Minsk, Kiev... tới sinh sống. Hồi đó, bọn tôi còn trẻ lắm: Vượng 25 tuổi, còn tôi mới 24, có thể nói là “vắt mũi chưa sạch”. Bọn tôi hồi đó đâu phải là doanh nhân có tiếng tăm gì nên mọi người chưa tin tưởng ngay là phải.
Mọi việc cứ phải làm từ từ, làm tới đâu chắc tới đó. Nhờ các mối quan hệ cũ có từ Moskva, chúng tôi thiết lập dần các đường dây chuyển hàng về Kharkov, giúp cho vùng đất này trở thành trung tâm phân phối hàng cho các chợ ở cả vùng đông bắc Ucraina, từ Donetsk đến Odessa mọi người đều tới đây lấy hàng. Rồi chúng tôi mở nhà máy làm mì ăn liền.
Lúc đầu, hàng bán cũng trầy trật, có khi cả tháng không hết một công, tưởng “sập tiệm” tới nơi. Sau chúng tôi đổi chiến lược kinh doanh, tiếp thị, tuyên truyền quảng cáo mới cải thiện được tình hình...”.
Cũng theo hồ sơ doanh nhân của Phạm Nhật Vượng, từ năm 1993 tới năm 1999 với vai trò là người đứng đầu công ty, anh đã đưa Technocom từ một doanh nghiệp nhỏ trở thành một tập đoàn hùng mạnh với thương hiệu Mivina danh tiếng (giữ vị trí số 1 trên thị trường thực phẩm ăn nhanh, được phong tặng danh hiệu Nhà sáng lập thị trường và nằm trong top 100 doanh nghiệp hàng đầu Ukraina).
Tiếp đó, sau khi đã đưa tầm ảnh hưởng của thương hiệu Technocom đến khắp châu Âu bằng các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu, Phạm Nhật Vượng đã quyết định đầu tư về quê hương Việt Nam với việc tham gia vào thị trường Du lịch và BĐS cao cấp với hai thương hiệu chiến lược là Vinpearl và Vincom. Hai thương hiệu này đã nhanh chóng thành công với hàng loạt các dự án danh tiếng như Vincom Center Bà Triệu, Vincom Center TP.HCM và đặc biệt là Vinpearl Nha Trang.
Từ năm 2010 đến nay Phạm Nhật Vượng đã quyết định dốc toàn tâm, toàn lực vào việc đầu tư tại quê hương bằng việc chuyển hẳn về Việt Nam; định hướng, chỉ đạo các thương hiệu Vincom, Vinpearl phát triển hàng loạt các dự án đô thị và khu du lịch lớn như Vincom Village, Royal City, Times City, Vincom Center TP.HCM (A&B); Vinpearl Đà Nẵng và Vinpearl Nha Trang (hoàn thiện, mở rộng)… đưa các thương hiệu này lên một tầm cao mới.
Tháng 1/2012, Công ty CP Vinpearl sáp nhập vào Công ty CP Vincom và chính thức hoạt động dưới mô hình Tập đoàn với tên gọi Tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng được sự tín nhiệm tuyệt đối của Đại hội đồng cổ đông, bầu vào vị trí Chủ tịch Tập đoàn với kỳ vọng đưa Vingroup trở thành Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam phát triển với 4 nhóm thương hiệu chiến lược gồm: Vincom (Bất động sản thương mại, dịch vụ cao cấp); Vinpearl (Bất động sản Du lịch; Dịch vụ Du lịch - giải trí); Vincharm (Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ - sắc đẹp); Vinmec (Dịch vụ y tế chất lượng cao)…
Bị đồn chết 4 lần trong một năm
Đang ở độ sung mãn trên các phương diện, Phạm Nhật Vượng khác với nhiều đại gia Việt khác, hầu như vẫn không thay đổi những thói quen cũ đã theo mình từ thuở thiếu thời. Anh bình thản và thậm chí có phần hài hước khi tiếp nhận mọi phiền toái không thể tránh khỏi đối với một người ở vị trí như anh.
Phóng viên mô tả về cuộc sống của anh hiện nay: “Cùng với sự gia tăng nhanh chóng về tiền bạc, hình ảnh về Phạm Nhật Vượng cũng ngày càng trở nên nổi tiếng hơn. Song, thói quen của anh vẫn khá bình dị và đơn giản. Anh có cho riêng mình và gia đình một biệt thự ở Vincom Village. Anh làm từ thiện nhiều, thích xem phim hành động trong những kỳ nghỉ ở Nha Trang. Nhưng cũng như những tỷ phú ở Đông Âu, anh cũng bị đầy rẫy những lời đồn đoán.
“Theo tin đồn, tôi đã chết 4 lần trong năm qua. Đầu tiên là một kẻ giết người đã bắn chết tôi ở Moskva. Câu chuyện thứ hai là tôi đến Moskva và bị mafia Nga xử lý. Chuyện thứ ba là tôi bị bắn ở Ukraina và thậm chí khi tôi không thăm Moskva hay Ukraina năm ngoái, chuyện gần đây nhất là họ cho rằng tôi đã bị chết vì bệnh ung thư trong khi tôi vẫn rất khỏe mạnh. Vì vậy, tôi chỉ tập trung vào những gì mình làm”, anh Vượng nhún vai hài hước khi được hỏi về vấn đề này…”.
Trong triết lý kinh doanh của mình, Phạm Nhật Vượng rất chú trọng tới chữ “Nhân”. Bộ quy tắc ứng xử của Vingroup lý giải: “Muốn tạo ra sự phát triển bền vững, vượt trội, tổ chức hay doanh nghiệp phải hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Thiên thời, địa lợi là do vận may, do yếu tố bên ngoài tác động nhưng việc thu phục nhân tâm, gây dựng nhân hòa lại là điều hoàn toàn trong tầm tay của chính chúng ta…”.
Phạm Nhật Vượng cũng nhấn mạnh rằng, những dự án mà anh thực hiện chỉ có mục đích duy nhất là góp phần xây dựng đất nước yêu quý của mình. Anh nói, ước mơ lớn nhất hiện nay của anh là biến những con đường của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thành một cái gì đó như của Hồng Kong và Singapore: “Nếu tôi có thể làm được điều đó, cho dù có phải tốn tiền tỷ, tôi sẽ vẫn hạnh phúc”. Bởi lẽ: “Tôi muốn để lại một cái gì đó cho thế hệ sau, bạn không thể nào mang tiền theo khi mình chết được”…