Trong bối cảnh dư nợ cho vay tăng không đáng kể, một số ngân hàng (NH) gia tăng tiếp thị các chương trình cho vay ưu đãi qua nhiều hình thức nhằm thu hút khách hàng kích thích tăng trưởng tín dụng.
Lãi suất 9%/năm
Cuối tuần qua, nhiều người dân trên địa bàn TP HCM ghi nhận băng rôn chương trình cho vay ưu đãi lãi suất 9%/năm của NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được giới thiệu bởi một đoàn xe Vespa diễu hành trên các đường phố.
Tại các điểm dừng chân là chi nhánh của Eximbank, chúng tôi ghi nhận nhân viên NH này tiếp cận và tư vấn tại chỗ cho người dân về điều kiện vay tiền với lãi suất ưu đãi.
Tại Chi nhánh Eximbank Cộng Hòa, TP HCM, chị Lê Thị Diệp đề nghị xin vay 100 triệu đồng để sửa chữa nhà, thời hạn vay 3 năm. Nhân viên NH này giải thích: Trong 3 tháng đầu, NH sẽ áp dụng lãi suất 9%/năm, mức lãi suất của 9 tháng còn lại của năm đầu tiên là 12,8%/năm. “Thế các năm tiếp theo lãi suất cho vay bao nhiêu?” - chị Diệp hỏi và được nhân viên ở đây trả lời: “Từ năm thứ 2 trở đi, lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất tiền gửi 12 tháng cộng với biên độ khoảng 2,5%”. Nhân viên Eximbank cho biết bên vay sẽ trả góp cả vốn và lãi khoảng 3-3,7 triệu đồng/tháng.
Giới phân tích cho rằng do số tiền trả góp ban đầu khá lớn nên người vay có thể thiếu hụt về tài chính. NH áp dụng lãi suất thấp trong các tháng đầu tiên sẽ giúp cho khách hàng giảm được số tiền trả nợ.
Mặt khác, lãi suất được tính theo dư nợ giảm dần nên sau thời gian được hưởng lãi suất, số tiền mà khách hàng phải trả hằng tháng cũng không quá lớn. Từ đó, bên vay ổn định tâm lý trả nợ, tập trung phát triển công ăn việc làm, tạo thêm thu nhập, còn NH cũng an tâm thu hồi vốn.
Đưa vốn đến tận tay khách hàng
Ngoài việc quảng bá cho vay bằng các hình thức phổ biến, các NH có rất nhiều cách thức để đưa vốn ra thị trường. NH Sài Gòn Thương Tín, Eximbank… đưa ra lãi suất cho vay 10%/năm đối với doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn giá. Theo đó, các NH này phối hợp với Sở Công Thương TP HCM, UBND TP HCM để tài trợ vốn cho hàng chục DN.
Trong khi đó, phó tổng giám đốc của một NH ở Hà Nội cho hay các NH hiện đang tiếp cận một số hiệp hội ngành nghề để tiếp thị lãi suất, tìm kiếm khách hàng. Thông qua các tổ chức này, NH sẽ truy tìm thông tin của DN, rồi đưa vốn tới tận tay khách hàng giàu tiềm năng. Trong khi đó, nhiều NH khác lại dùng chiêu thức “vết dầu loang”.
Tức là, nhân viên NH tìm kiếm khách hàng mới thông qua khách hàng hiện hữu; hoặc tùy theo quy mô của từng DN mà NH sẽ cử giám đốc các chi nhánh, tổng giám đốc, thành viên hội đồng quản trị tiếp cận trực tiếp với lãnh đạo của DN để quyết định cho vay.
Lãnh đạo nhiều NH cho biết khi tìm được khách hàng tốt, các NH thường cho vay với lãi suất khá thấp. Giả sử NH cho vay với lãi suất 9%/năm và khách hàng trả nợ đều đặn hằng tháng thì NH sẽ có nhiều thuận lợi vì dòng tiền được quay vòng nhanh hơn so với cho vay lãi suất 10%/năm nhưng bên vay lại trả nợ thất thường (3-6 tháng/lần).
Minh bạch lãi suất tương lai
Theo các chuyên gia tài chính, nếu lạm phát trong thời gian tới được kiềm chế ở mức 6% - 7% thì lãi suất tiền gửi chỉ khoảng 9% - 10%/năm. Với chi phí kinh doanh khoảng 3%, lãi suất cho vay phổ biến 12% - 13%/năm thì NH cho vay đã có lời.
Tại thời điểm này, NH đưa ra mức lãi suất cho vay của các năm tiếp theo bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cộng với một biên độ nhất định, chứng tỏ các NH đã dự báo được mức độ lạm phát, chi phí huy động vốn và đã minh bạch lãi suất trong tương lai. Người vay tiền sẽ dần xóa bỏ tâm lý lãi suất cao, xác định được số tiền phải chi trả cho NH trong thời gian tới.