Báo cáo kết quả kinh doanh trong quý 3 của một số ngân hàng cho thấy, nhiều ngân hàng lớn cắt giảm nhân sự, lương, thưởng, như Eximbank, Techcombank, ACB…
Chỉ riêng quý III/2013, ngân hàng ACB đã cắt giảm 703 vị trí. Trong 9 tháng đầu năm nay, ACB đã giảm gần 1.300 nhân viên , số lượng nhân viên hiện đã giảm xuống còn 9.005 người. Nguyên nhân được ACB đưa ra là lợi nhuận hoạt động của Ngân hàng đã sụt giảm mạnh trước tình hình khó khăn chung.
Techcombank cũng đã giảm hơn 1.000 lao động trong năm 2012 và đang tiếp tục cơ cấu lại bộ máy nhân sự theo hướng tinh giản, bởi lợi nhuận trong quý III/2013 vừa qua đã giảm tới 83,9% so với cùng kỳ năm 2012. 9 tháng đầu năm, Ngân hàng lãi 562 tỷ đồng, giảm 66,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời gian qua, thông tin sẽ cơ cấu lại nhân sự và giảm biên chế khoảng 30% của Eximbank cũng gây xôn xao dư luận.
Tuy nhiên, ngược dòng với xu thế giảm biên chế, sa thải nhân viên thì lại có những ngân hàng đẩy mạnh hút nhân lực trong thời gian qua.
Đơn cử trong đó là trường hợp của ngân hàng Sacombank. Trong 9 tháng đầu năm 2013, Sacombank đã tuyển dụng thêm 1.034 nhân sự, đưa tổng nhân sự hiện tại của ngân hàng này lên 11.344 người. Riêng trong quý 3 năm nay, Sacombank tuyển dụng 151 nhân sự.
VPBank tuyển dụng tới gần 1.500 nhân sự trong quý 3/2013 trong bối cảnh nhiều ngân hàng có quy mô lớn hơn vẫn tiếp tục cắt giảm nhân lực. Trong tháng 11/2013, VPBank vẫn dồn dập thông báo tuyển mới khá nhiều vị trí cho các phòng nghiệp vụ thuộc VPBank
Theo báo cáo tài chính của VPBank, tính đến 30/9/2013, nhân sự của VPBank (bao gồm các công ty con) đã tăng thêm 1.835 người do với thời điểm đầu năm. Trong đó, có 1.457 người được tuyển dụng trong quý 3.
Hình minh họa
Thế nhưng, động thái tích cực này của các ngân hàng trên không những không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận mà thay vào đó, có khá nhiều ý kiến trái chiều, chỉ trích lãnh đạo các ngân hàng.
Bạn độc giả có nick name Kenboyz Lcd chia sẻ: “Tuyển xong cũng sa thải à, cuối năm thiếu tiền, tuyển thêm để kiếm thêm tiền. Xong sang năm 2014, sa thải”.
“Tôi không hề thích cách làm này của các nhà băng. Tuyển dụng ồ ạt để tạo ra một đội ngũ nhân viên kinh doanh hùng hậu, coi họ là công cụ để kiến tiền. Những người leader liệu có hiểu được nhân viên của họ đã phải vất vả, thậm chí là tủi nhục như thế nào để kiếm được một hợp đồng về cho ngân hàng hay không? Thế nhưng hơi có chút giảm lãi thì lại sẵn sàng sa thải họ. Mệt mỏi.
Trước đây, ngồi trên ghế nhà trường, tưởng đây là một nghề hấp dẫn nên theo học. Tôi mà biết trước được những điểm tối trong ngành như thế này chắc chắn tôi sẽ chẳng đời nào mà dấn thân vào”, bạn Nhị, một nhân viên hợp đồng của ngân hàng cho biết.
Bạn Manh Cuong thì cho rằng thực chất đây chỉ là một “chiêu” của các nhà băng trong thời buổi kinh tế khó khăn: “Hút những nhân viên kinh nghiệm có thể vì lỡ vận mà bị thải ở ngân hàng khác, và lại thải các nhân viên khác ra. Phải thừa nhận là nhân sự ngành ngân hàng vừa thừa lại vừa thiếu”.
“Nói chung là đang rất chán nhà tuyển dụng Việt Nam”, Hau Duong Cong ngao ngán cho biết.
Hình minh họa
Mới đây, trong một cuộc khảo sát về ngành ngân hàng năm 2013, KPMG Việt Nam cho thấy 46% số ngân hàng được hỏi tuyên bố sẽ không tăng số lượng nhân viên trong năm 2013. Đáng chú ý hơn, trong số 54% ngân hàng dự kiến tăng số lượng nhân viên, có đến 90% cho biết “mức độ tăng sẽ không nhiều”.
Tuy nhiên, các diễn biến thực tế cho thấy một số ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự. Đó là “đầu vào”. Còn “đầu ra”, lượng nhân viên bị sa thải vẫn là điều bí ẩn vì các ngân hàng hiếm khi công bố con số này.
Trong khó khăn, việc cắt giảm chi phí là hết sức cần thiết đối với doanh nghiệp, và càng cần thiết với ngành ngân hàng, khi nợ xấu tăng cao, tín dụng không tăng trưởng, lợi nhuận giảm. Vậy nên, hàng trong xu thế chung của nền kinh tế cả nước, động thái có phần đi ngược chiều của một số ngân bị chỉ trích, lên án cũng là điều không phải khó hiểu.