Theo những nguồn tin thân cận, cái giá của thương vụ này có thể là 60 tỷ yen (tương đương 726 triệu USD hay 15.120 tỷ đồng). Quá trình mua bán đang ở giai đoạn bàn thảo và có thể được công bố chính thức vào cuối tháng này, hãng tin Nikkei cho biết.
Cũng theo Nikkei, Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ hy vọng họ có thể hoàn tất thương vụ này trong nửa đầu năm tới. Sau khi mua bán, ngân hàng Nhật có thể cử nhân sự ngồi vào hội đồng quản trị của Vietinbank.
Đại diện của Vietinbank từ chối xác nhận thông tin về mong muốn mua cổ phần từ Tokyo-Mitshubishi UFJ. Vị này cho biết thời điểm hiện nay chưa thể công bố thông tin chính thức nào. Tuy nhiên, trước đó vài ngày, một phó tổng giám đốc của nhà băng này tiết lộ ngân hàng sẽ sớm tìm và chốt cổ đông chiến lược thứ hai cho Vietinbank.
Mitsubishi UFJ hiện là nhà cho vay lớn nhất Nhật Bản, trong đó Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ là một trong những bộ phận lớn nhất. Còn VietinBank là một trong 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, VietinBank đạt lợi nhuận trước thuế gần 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 4.500 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng vừa xin điều chỉnh giảm 1.500 tỷ đồng lợi nhuận năm 2012.
Năm 2012, lợi nhuận ròng của Vietinbank có thể giảm 11% xuống 7.500 tỷ đồng (360 triệu USD), thay vì tăng 7% như những dự đoán trước đó.
Đầu năm 2011, Vietinbank cũng từng bán 10% cổ phần cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), một thành viên của Ngân hàng Thế giới với giá 182 triệu USD tiền mặt và 125 triệu USD vốn vay trong vòng 10 năm.
Bằng cách mua lại cổ phần tại một ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ sẽ dễ dàng mở rộng dịch vụ tới các công ty Nhật đang có mặt tại đây.
Đây cũng là động thái mới nhất của một đại gia tài chính Nhật Bản đối với các ngân hàng Việt Nam, sau khi Chính phủ Việt Nam dần mở cửa khu vực tài chính cho đối tác ngoại hậu gia nhập WTO hồi 2007, tờ Dow Jones Newswire nhận định.
Cổ đông chiến lược nước ngoài thứ nhất của Vietinbank là Công ty Tài chính quốc tế IFC (nắm 10% cổ phần Vietinbank). Đợt phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho IFC hồi năm 2011 đã giúp ngân hàng này thu về thặng dư vốn là 1.854 tỷ đồng.
Thành viên HĐQT một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho rằng, việc Vietinbank cẩn trọng trong lần tìm đối tác chiến lược này là có cơ sở và dễ hiểu bởi đầu năm nay, họ vừa có một thương vụ bất thành.
Trước khi có thông tin về Tokyo-Mitsubishi UFJ, Vietinbank gần như đã đạt thỏa thuận bán cổ phần cho Ngân hàng Nova Scotia (Canada). Tuy nhiên, gần vào giờ G, yêu cầu được nhận toàn bộ cổ tức, thặng dư vốn năm 2011 của Nova Scotia không được Vietinbank chấp nhận. Do đó, đến nay, Vietinbank vẫn chưa chốt được tên cổ đông chiến lược thứ hai.
Về phần mình, Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ đang tính phương án mở rộng dịch vụ nhắm vào các công ty Nhật Bản tại Việt Nam - theo tờ Nikkei. Các hoạt động ngân hàng này hướng tới bao gồm cả thanh toán và chuyển tiền thông qua một quan hệ đối tác với ngân hàng trong nước. Việc mua cổ phần tại Vietinbank - ngân hàng quốc doanh lớn thứ hai tại Việt Nam - sẽ nằm trong chiến lược phát triển quan hệ đối tác với các nhà băng tên tuổi tại châu Á.
Một "ông lớn" khác là Vietcombank cũng đã bán thành công 15% cổ phần cho một ngân hàng khác của Nhật Bản là Mizuho. Mizuho không chỉ là đối tác chiến lược đầu tiên mà còn là đối tác chiến lược duy nhất của Vietcombank.
Trước đó, hồi 2007 Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group đã mua 15% cổ phần của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với giá 225 triệu USD). Gần đây hơn, Tập đoàn tài chính Mizuho đã bỏ ra 567,3 triệu USD để mua 15% cổ phần của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam vào năm ngoái.
Đối với các đại gia ngân hàng Nhật Bản, khi thị trường trong nước của họ đang ngày một thu hẹp do khủng hoảng kinh tế, việc vươn ra các quốc gia đang phát triển nhanh hơn ở châu Á là một bước đi chiến lược.
Do đó, trong khi các đối thủ khác đến từ châu Âu đang muốn rút khỏi thị trường, giới ngân hàng Nhật lại lặng lẽ tiến dần từng bước. Tập đoàn MUFG cũng đang đàm phán mua lại 25% cổ phần tại ngân hàng lớn thứ 5 Thái Lan Ayudhya do General Electric rao bán. Còn Tập đoàn Sumitomo Mitsui cũng đang xúc tiến nâng lượng sở hữu từ 4,7% lên 9,5% tại Bank of East Asia có trụ sở tại Hong Kong.