Ngân hàng hạ lãi suất về 13%/năm cho người vay cũ

4 ngân hàng “ông lớn” trong nhóm thương mại nhà nước đã cam kết giảm lãi suất tất cả các khoản vay cũ về tối đa 13%/năm, kể từ ngày 13/5.

Tại cuộc họp báo về lãi suất tổ chức sáng nay ở Ngân hàng Nhà nước, nhiều nhà băng cho biết, giảm lợi nhuận khi cắt giảm lãi suất các khoản vay cũ về 13%/năm từ ngày 13/5 sắp tới là sự chia sẻ cần thiết với người vay vốn và nền kinh tế. Những lĩnh vực ưu tiên, trần tối đa là 10%/năm, như quy định tại thông tư 10 Ngân hàng Nhà nước mới ban hành.

Phó tổng giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - ông Nguyễn Quốc Hùng - cho biết, ngân hàng này sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, giảm lãi suất các khoản cho vay cũ về 13%/năm kể từ ngày 13/5. Nếu doanh nghiệp có giải pháp trả nợ gốc và lãi, ngân hàng có thể xem xét giảm tiếp.

Tại Agribank, ông Hùng tiết lộ dư nợ các khoản vay có lãi suất từ 13% đến 15%/năm chiếm tỷ trọng lớn, lên tới 48% tổng dư nợ, do đó, việc đưa đồng loạt về 13% là một quyết định khá khó khăn. Hiện tại, lãi suất cho vay với nông nghiệp nông thôn tối đa là 10%/năm, đã có gói cho vay lãi suất 6,5-8%, đối tượng không ưu tiên cao nhất là 12,5%.

Đại diện BIDV cũng chia sẻ, sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống dưới 10%/năm. Về phương án tiếp tục giảm xuống thấp hơn, ông này cho biết, sẽ giảm theo lãi suất huy động nhưng cần có lộ trình. Ngân hàng này cũng sẽ hạ lãi suất cho vay với tất cả các khoản về 13%/năm, dù chưa đến thời điểm áp dụng.

Ngân hàng hạ lãi suất về 13%/năm cho người vay cũ
 

Khẳng định ngân hàng mình không còn các khoản vay với lãi suất trên 15%/năm, ông Phạm Quang Dũng - Phó tổng giám đốc ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) - cho biết, ngay cả các khoản vay mới, lãi cao nhất cũng chỉ 13%/năm.

Cũng như các ngân hàng nói trên, Vietcombank cam kết sẽ đưa lãi suất cho vay về 13%/năm cao nhất đối với tất cả các khoản, kể từ ngày 13/5 sắp tới. Hiện tại, dư nợ cho vay với lãi suất 13-15%/năm ở Vietcombank còn khoảng 5.000 tỷ đồng.

Phía VietinBank, Phó tổng giám đốc Lê Đức Thọ nhận định, mặt bằng lãi suất hiện tại là thời điểm tốt để tạo lãi suất thực dương cho người gửi tiền, còn với người vay, cũng là lúc để vay vốn với lãi suất thấp. Theo ông Thọ, VietinBank đang đẩy mạnh nhiều giải pháp tích cực để cơ cấu lại nguồn vốn.

Vì sao không giảm trần lãi suất huy động?

Giải thích về việc chỉ giảm các lãi suất điều hành và lãi suất cho vay, trần huy động giữ nguyên 7,5%/năm đối với kỳ hạn ngắn dưới 1 năm, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, mức trần 7,5% hiện tại là sát với kỳ vọng lạm phát 2013 ở mức 6-7%, cũng là đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền.

Trước khi quyết định điều chỉnh lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét, cân nhắc các ý kiến, đồng thời căn cứ bối cảnh thực tiễn mới đưa ra giải pháp. Hơn nữa, trần 7,5%/năm chỉ áp dụng với kỳ hạn ngắn, các ngân hàng vẫn hoàn toàn có thể cân đối các yếu tố như vốn, thanh khoản, chiến lược, mục tiêu lợi nhuận… và có nhiều mức phù hợp.

Mức này cũng đảm bảo được lãi suất của người gửi tiền được thực dương, không gây ra hiện tượng rút tiền chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, đại diện vụ Chính sách tiền tệ chia sẻ.

Bà Hồng cũng nhấn mạnh, vẫn chưa tính đến bỏ trần lãi suất huy động, vì nếu bỏ, có thể các ngân hàng lại chạy đua huy động vốn với lãi suất cao, gây bất ổn thị trường. Hệ lụy của việc làm này là lãi suất cho vay không giảm được, tiến trình thúc đẩy các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng bị chậm lại khi thị trường tiền tệ bị xáo trộn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại