Ví dụ, có NH cho vay mua nhà với thời gian tối thiểu 24 tháng, lãi suất 6%/năm, cố định trong 6 tháng đầu tiên. Từ tháng thứ 7 trở đi, lãi suất cho vay sẽ được hình thành trên cơ sở giá bán vốn do NH công bố cộng với biên độ 4%.
Giả sử NH công bố giá bán vốn quá cao, đồng nghĩa lãi suất cho vay sẽ tăng vọt. Khách hàng có thể không chấp nhận, buộc phải trả nợ trước hạn. Khi đó, NH lại thu phí 5%/số tiền trả nợ trước hạn. Như thế, mức lãi suất ưu đãi 6% mà bên vay được hưởng trong 6 tháng không còn ý nghĩa.
Một NH khác cũng ưu đãi lãi suất cho vay mua nhà 7,7%/năm trong 3 tháng đầu, sau đó áp dụng lãi suất thả nổi. Tuy vậy, nếu trong năm thứ nhất, bên vay trả hết nợ thì NH dùng lãi suất 14%/năm để truy thu lãi suất của 3 tháng đầu tiên.
Nhiều ý kiến cho rằng NH đưa ra lãi suất cho vay thấp trong vài tháng đầu là để thu hút khách hàng, sau đó thì ấn định lãi suất theo ý muốn của mình và khi ấy khách hàng đã “vào tròng”. Đây là cách làm thiếu minh bạch.
Cũng có NH công bố cho vay mua nhà với lãi suất 12,5%/năm và sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần theo tín hiệu thị trường. Thế nhưng, lãi suất cho vay trong tương lãi vẫn chưa rõ ràng vì NH không đưa ra cơ sở cho việc tăng hoặc giảm lãi suất.
Thực tế đã có NH cố định lãi suất cho vay mua nhà 12%/năm trong 3 năm đầu tiên. Các năm tiếp theo, lãi suất cho vay được tính bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng cộng với biên độ 2,5%. Đây chính là chi phí kinh doanh và với biên độ này NH đã có lời.
Do đó, lãi suất cho vay mua nhà sẽ minh bạch hơn nếu sau thời gian ưu đãi và đến thời điểm thay đổi lãi suất, NH ấn định mức lãi suất cho vay bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12-13 tháng cộng với biên độ hợp lý. Khi đó, người vay tiền có cơ sở để xác định mức lãi suất phải chi trả trong tương lai, an tâm quan hệ tín dụng và nhờ đó NH mới khơi thông được đầu ra.