Vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua là việc hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống mức 6%/năm. Trong khi đó mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức 12-13%. Nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng đang hưởng chênh lệch quá lớn, như vậy là bất hợp lý.
Không phải đến bây giờ, vấn đề chênh lệch lãi suất mới được đem ra bàn luận. Lâu nay, lãi suất huy động và cho vay luôn có một khoảng cách rất lớn. Hiện tại, các ngân hàng thương mại huy động kỳ hạn ngắn 6-7,5%/năm, cho vay là 12-13%/năm, còn kỳ hạn dài hạn huy động 9,5-10% và cho vay 14-16%/năm.
Như vậy mức chênh lệch là 5-6% cho kỳ hạn ngắn và 4,5-5% cho kỳ hạn dài. Tại cuộc hội thảo về tín dụng, lãi suất mới được tổ chức vừa qua tại Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chênh lệch lãi suất các ngân hàng thu về lên tới 6% là bất hợp lý.
Theo ông Hiếu, nếu các ngân hàng làm tốt thì biên độ lợi nhuận ròng nên ở mức 2%, thậm chí có ngân hàng 1% và có ngân hàng 0%. Mức chênh 6% do ngân hàng hoạt động không lành mạnh với chủ yếu là nợ xấu.
Theo cơ quan thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước), năm 2012, các ngân hàng hưởng chênh lệch khoảng 20.000 tỷ đồng từ số lãi thu về do cho vay ra là 420.000 tỷ đồng và tiền lãi trả cho huy động 408.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng thực sự ngân hàng không lãi lớn như thế. TS Nguyễn Đức Trung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học ngân hàng cho rằng: Tại thời điểm hiện tại, mức chênh lệch trung bình chỉ khoảng 2%.
Không có chuyện ngân hàng được hưởng mức chênh lệch “khủng” 5-7%, như dư luận đồn đoán. Nếu chênh lệch cao như vậy, cả xã hội đã đổ xô đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng. Chúng tôi đã tổng hợp số liệu chênh lệch lãi suất huy động - cho vay của một số ngân hàng trong nhiều năm qua.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tính trung bình lãi suất huy động và cho vay, chênh lệch lãi suất thời điểm cao nhất cũng chỉ 3,5%. Riêng trong năm 2012, mức chênh lệch bình quân là gần 2,2%.
Về phía các ngân hàng cũng cho rằng không hề có chuyện lãi lớn như thế. Ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ chênh lệch giữa đầu ra và đầu vào tại ngân hàng này trên lý thuyết là hơn 4%, chưa bao gồm trích lập dự phòng rủi ro và một số biện pháp khác.
Hiện tại lãi suất cho vay ở ngân hàng này bình quân là 12%/năm, có khoản chỉ 8-10% nhưng cũng có khoản 11-13%, và chỉ thu được khoảng 80% trong số này. Còn lại, doanh nghiệp bị đọng, không trả được.
Ngược lại, lãi suất huy động phải đến đầu tháng 9 năm nay mới trả hết các khoản đã huy động trước đó 12%/năm, do đó, mức 7,5% trần hiện nay không thực tế trong bản cân đối kế toán của ngân hàng mà chỉ là số liệu “nghe tưởng chừng như vậy”.
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Ngân hàng TP.HCM: Lãi suất như thế là quá hợp lý
Những ngày gần đây, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã giảm mạnh xuống 6%/năm. Tuy nhiên mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức 12-13% hoặc cao hơn. Nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng đang lãi lớn. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Chúng ta phải nhìn toàn diện. Khó khăn là khó khăn chung. Lãi suất 6% ngân hàng đã nhận được đâu. Lãi suất 6% chỉ áp dụng cho kỳ hạn một tháng. Vì vậy người gửi tiền đã chuyển hết từ kỳ hạn một tháng sang 3 tháng và dài hạn rồi.
Kỳ thực lãi suất huy động không giảm mà vẫn là 7,5%. Nếu giảm nữa từ 7,5% xuống 7% thì mới giảm tí tẹo nhưng thực ra vốn trước đó người ta có được nhận 7% đâu. Lãi suất ngân hàng huy động trước đây là 14% hiện cũng chưa giải quyết xong. Vì vậy không thể nói ngân hàng huy động lãi suất 6% nhưng cho vay 12-13%.
Nhiều doanh nghiệp vẫn kêu rằng họ đang phải vay ngân hàng lãi suất cao, thậm chí trên 15%?
Nền kinh tế khó khăn chung, các bên đều phải nỗ lực, nhất là Chính phủ. Đầu ra đã giảm nhiều rồi. Số lãi suất cho vay trên 15% hiện chỉ còn 14% tổng dư nợ của toàn ngành Ngân hàng, như vậy là thiểu số chứ không phải đa số.
Hiện tại phổ biến là 10-13%, muốn giảm nữa thì cần có độ trễ. Lãi suất cao hay thấp tùy vào thời hạn vay dài hay ngắn, tùy thuộc vào khả năng thanh toán, kinh doanh, độ rủi ro của doanh nghiệp. Hiện tại ngân hàng cũng chịu áp lực rất lớn về cổ tức và lợi nhuận. Nói ngân hàng “ăn” 5-6% chênh lệch lãi suất tôi không đồng ý.
Ông có thể phân tích rõ hơn?
Cứ làm phép tính đơn giản, đầu vào 6%, cho vay 12% ngắn hạn. Nhưng nói thế thôi chứ không phải là chênh lệch 6% vì nhận vào cũng không phải cho vay được hết, ngoài ra còn chi phí nhân công, khấu hao…
Hiện nay nhiều ngân hàng tìm cách giảm nhân viên, giảm đủ mọi thứ. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Nói cứu doanh nghiệp sao không cứu ngân hàng. Tôi nghĩ giờ lãi suất tương đối ổn. Vấn đề hiện nay không nằm ở lãi suất mà nằm ở tổng cầu. Có cho vay lãi suất 0% cũng vẫn chết vì có bán được hàng đâu.
Xét công bằng so với kỳ vọng, lãi suất 10% bình quân đầu ra là doanh nghiệp êm. Hiện tại nhiều doanh nghiệp cũng chỉ phải vay lãi suất 9-10%. Mỗi bên phải cố một tí, ngân hàng đã cố rồi thì doanh nghiệp cũng phải cố.
Như vậy là theo ông, lãi suất huy động và cho vay hiện nay là hợp lý?
Tôi nghĩ là quá hợp lý. Nhà nước đã quá nỗ lực rồi. Tất cả mọi người đều phải nỗ lực. Doanh nghiêp nào không trụ được thì phải chịu, chỉ cứu những anh cần cứu.
Cảm ơn ông!