Bước vào giai đoạn những tháng cuối năm, các ngân hàng ồ ạt tung ra các chương trình ưu đãi lãi suất nhằm đẩy mạnh việc cho khách hàng vay vốn mua nhà, một số chủ dự án BĐS cũng kết hợp với không ít NH chào mời ở mức thấp, thậm chí còn cho vay 0%/năm trong giai đoạn đầu, song có thể thấy tâm lý của khách hàng vẫn còn nhiều e ngại.
Nhà băng ồ ạt cạnh tranh
Rảo quanh một vòng các NHTM, với những người có nhu cầu mua căn hộ sẽ không tránh khỏi sự lúng túng vì có quá nhiều lời chào mời tham gia vay vốn mua nhà với những lãi suất hấp dẫn. Nhìn chung, tại nhiều ngân hàng, lãi suất cho vay mua nhà đã giảm xuống chỉ còn 9 - 10%/năm hoặc thấp hơn, một mức giảm lớn nếu so với mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng 15 - 20%/năm trở lên trong giai đoạn trước.
Sacombank có chương trình ưu đãi cho vay trị giá 1.000 tỉ đồng dành cho khách hàng vay để mua, xây, sữa chữa bất động sản. Mức lãi suất được ngân hàng này công khai.
Theo đó, 3 tháng đầu tiên, lãi suất được áp dụng ở mức 6,99%/năm, 9 tháng tiếp theo là 11,99%/năm. Không chỉ ưu đãi về lãi suất, Sacombank còn nâng mức cho vay lên tới 10 tỉ đồng. Khách hàng được hưởng ân hạn lên tới 1 năm.
NH ACB triển khai chương trình “tích lũy từ lương, dựng xây tổ ấm" với ưu đãi lãi suất giảm thêm 1%/năm so với trước. ACB cũng nhận thế chấp chính căn hộ mua trả góp nếu thuộc dự án ngân hàng liên kết với chủ đầu tư. Thời hạn vay dài và được ân hạn vốn đến 12 tháng, NH tài trợ đến 85% giá trị nhà mua.
Hay VietABank cũng đang triển khai chương trình hỗ trợ khách hàng có nhu cầu mua nhà nằm trong các dự án mà NH Việt Á có hợp tác liên kết sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi 5%/năm cố định 3 tháng đầu tiên. Lãi suất các tháng tiếp theo được VietABank ban hành theo từng thời kỳ.
Ngoài ra, hiện nay nhiều ngân hàng còn kết hợp với các chủ đầu tư để cung cấp vốn cho khách hàng mua nhà tại những dự án cụ thể, với những ưu ái hấp dẫn về lãi suất cho khách hàng khi có nhu cầu hỗ trợ tài chính để mua nhà.
Đơn cử, tại HDBank áp dụng mức lãi suất 0%/năm cố định trong năm đầu giải ngân cho khách hàng vay mua căn hộ tại dự án Dragon Hill Residence and Suites (Nhà Bè, TPHCM). Lãi suất cho vay mua nhà đối với các dự án liên kết khác cũng được HDBank giảm dần xuống 8 - 9%/năm, đồng thời kéo dãn thời gian trả nợ cho khách hàng.
Hay như với dự án của CTCP đầu tư Nam Long với dự án căn hộ EHome 4- Bắc Sài Gòn tại huyện Thuận An, Bình Dương: Có giá bán trung bình khoảng 450 triệu đồng/căn, chủ đầu tư đã kết hợp với VP Bank đưa gói hỗ trợ tài chính với lãi suất cho vay ổn định 8% trong hai năm đầu. Theo tính toán, nếu vay 70% giá trị căn hộ, mỗi tháng người trả cả gốc lẫn lãi khoảng 4-5 triệu đồng...
Có thể thấy với việc hỗ trợ như thế sẽ giúp cho đôi bên cùng có lợi, ngân hàng vừa có thể đẩy mạnh được tín dụng, còn về phần chủ đầu tư cũng có thể dễ dàng bán hàng, giảm tồn kho và quan trọng là có thanh khoản để tìm thấy nguồn tiền trả lãi ngân hàng.
Khách hàng vẫn ngại “gánh nặng” lãi suất
Hiện giá BĐS đã giảm khá mạnh và có những phân khúc giá đã về mức hợp lý. Tuy nhiên, đối với khách hàng cá nhân phải vay vốn ngân hàng để có một chỗ an cư, áp lực lãi suất vẫn là gánh nặng. Có thể thấy, việc muốn đẩy mạnh tín dụng BĐS vẫn vấp phải một rào cản đó chính là lãi suất, dù rằng không thiếu gì các ngân hàng áp dụng lãi suất là 0%. Khách hàng vẫn có sự dè chừng với câu hỏi là sau khi hết thời hạn ưu đãi lãi suất sẽ tăng lên tới mức nào.
Đơn cử như với chương trình cho vay của các ngân hàng, khách hàng vẫn sẽ gặp rủi ro về lãi suất khi các ngân hàng chỉ công bố lãi suất ưu đãi cho vài tháng hoặc cho năm đầu tiên. Trong khi đó, với thời hạn cho vay tối đa 15 năm, khách có thể phải trả khoản lãi “cắt cổ” trong 14 năm tiếp theo.
Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của một NHCP có trụ sở ở quận 1, TPHCM thừa nhận, muốn đẩy mạnh tín dụng BĐS trong lúc này thực sự khó. Nguyên nhân là chi phí huy động vốn thực tế vẫn trên mức trần 7%/năm, nên lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân khó có thể giảm sâu như kỳ vọng.
Còn mức 0%/năm dành cho cá nhân mua nhà ở cũng chỉ áp dụng trong thời gian ngắn 1 - 3 tháng đầu và không thể kéo dài hơn, do ngân hàng khó bù đắp chi phí. Để có thể kích thích được cầu về tín dụng BĐS, điều kiện trước hết đó là lãi suất cho vay thực tế phải giảm.