Chia sẻ với chúng tôi, ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Phát triển Kinh doanh hệ thống bán lẻ FPT Shop cho rằng, ông rất ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Thăng trong việc cần sớm hợp thức hóa dịch vụ Uber taxi.
"Cá nhân tôi rất hoan nghênh những ứng dụng mang lại sự tiện lợi cho người dùng.
Tôi cho rằng những công nghệ mới như Uber nên được hợp thức hoá và ủng hộ, do đó tôi đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Thăng"- ông Bảo nói.
Theo ông Bảo, bản thân ông đã sử dụng thử dịch vụ của Uber. Dưới góc độ người dùng, Uber cho người dùng thêm lựa chọn an toàn, tiện lợi và tiết kiệm.
Thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại smartphone, khách hàng sẽ an tâm hơn khi biết được thông tin về xe, tài xế, tổng số tiền phải trả cho hành trình trước khi thực hiện chuyến đi.
"Bản thân trải nghiệm ứng dụng để yêu cầu xe cũng khá thú vị và tiện lợi. Tôi thấy Uber giống như là xe nhà hơn taxi, vì tài xế lịch sự, xe mới và sạch sẽ. Tôi cũng có thể xem lại được hành trình của mình qua email"- ông Bảo chia sẻ.
Cũng theo ông Bảo, Uber chỉ là ứng dụng nên họ không sở hữu xe hay thuê tài xế. Họ giống như sàn giao dịch và sẽ được phần trăm hoa hồng thông qua việc kết nối giữa bên cần và bên có, bên bán và bên mua.
"Vì vậy, chính bên cần và bên có sẽ chịu trách nhiệm về thuế"- ông Bảo nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Bảo cũng cho biết thêm, việc thanh toán bằng thẻ tín dụng là hình thức dễ quản lý, vì mọi giao dịch đều được ghi nhận đầy đủ.
Ông Ngô Quốc Bảo.
"Với vai trò là 1 người dùng, tôi cũng không có gì chắc chắn là dịch vụ Uber lúc nào cũng tốt, nhưng tôi đánh giá cao cơ chế chấm điểm chất lượng của họ.
Khách đi xe có thể chấm điểm cho chuyến đi của mình sau khi kết thúc hành trình.
Khách đặt xe qua Uber như tôi đã nói ở trên, sẽ biết trước xe đến đón mình là loại nào, tài xế tên gì, điểm (tạm gọi là điểm chất lượng) của tài xế hiện tại bao nhiêu, điểm chất lượng này là từ kết quả chấm điểm của những khách đi trước.
Nếu khách thấy tài xế điểm thấp, xe không tốt… thì có thể huỷ hành trình (cancel trip).
Cơ chế này đảm bảo, tài xế nào muốn có nhiều khách thì càng phải phục vụ tốt hơn để được chấm điểm cao"- ông Bảo phân tích.
Đồng thời, ông Bảo cũng bày tỏ, sẽ rất thú vị cho các doanh nghiệp trong nước khi mô hình dịch vụ này được áp dụng rộng rãi, vì họ sẽ phải có những thay đổi và cải tiến.
"Uber nếu thành công ở Việt Nam, sẽ có nhiều "Uber" của các lĩnh vực khác, ví dụ như y tế, giáo dục... Đây sẽ là một động lực lớn để các doanh nghiệp mới phải chuyển mình"- ông Bảo nhìn nhận.
Đồng quan điểm đó, bà Bích Hạnh, một chuyên gia truyền thông, đồng thời cũng đã sử dụng dịch vụ Uber taxi cũng cho rằng, đây là một dịch vụ mang lại lợi ích rất nhiều cho người dùng.
"Khi mới nghe thì tôi chưa cảm nhận được, nhưng đến khi sử dụng Uber rồi thì mới thấy có rất nhiều tiện lợi.
Lúc gọi một chiếc taxi sử dụng Uber tới, thì lái xe mang ô ra tận nơi che cho mình; rồi khi mình gọi nhưng chưa sử dụng, lái xe đi chỗ khác đón khách vẫn gọi lại, hỏi đã có nhu cầu sử dụng xe chưa để họ quay lại đón...
Phải nói rằng, cách thức quản lý của Uber thông qua việc giúp khách biết trước xe đến đón mình là loại nào, tài xế tên gì, chấm điểm... đã tạo cho người tài xế phục vụ ở đây rất chuyên nghiệp, tiện lợi cho người dùng"- bà Hạnh chia sẻ thêm.
Uber vẫn có nhược điểm
Từ góc độ là thành viên của công ty công nghệ lớn ở Việt Nam, theo ông Bảo, Uber vẫn có những hạn chế nhất định.
Trước tiên là hình thức thanh toán khi sử dụng xe qua Uber chỉ được thực hiện bằng thẻ tín dụng.
Với một số người thì đây là nhược điểm, vì đa số tâm lý người Việt ta nói chung đều lo lắng khi cho thông tin thẻ như vậy liệu có an toàn hay không.
Việc này cũng tương tự như khi mua hàng online thì ta phải tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, về gian hàng có uy tín hay không.
"Bản thân việc sử dụng thẻ thanh toán quốc tế cũng hơi hạn chế cho người dùng, vì không phải ai cũng có. Tuy nhiên, hiện nay việc mở 1 thẻ Visa hay Master tại các ngân hàng Việt Nam của chúng ta cũng tương đối đơn giản"- ông Bảo nói.
Ngoài ra, Uber cũng hơi hạn chế về khu vực hoạt động. Thời gian cao điểm khi số lượng xe bị hạn chế thì Uber sẽ sử dụng hình thức tăng giá linh động để điều chỉnh lượng cung và cầu.
"Đây là một việc khá thông minh để bảo đảm được chất lượng dịch vụ của họ. Nhưng đối với một số người thì chắc sẽ chưa quen với hình thức này"- ông nói.
Từ hạn chế đó, ông Bảo cho rằng, bản thân Uber và các cơ quan ban ngành nên cùng ngồi xuống và thảo luận hành lang pháp lý để bảo đảm việc quản lý cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
"Có thể bắt đầu bằng việc quản lý giấy phép của các công ty vận tải tham gia Uber"- ông Bảo đề xuất.