Nên học hay nên sợ McDonald’s ... tại Việt Nam?

Phương Nhi |

(Soha.vn) - Đồng ý với ý kiến cho rằng không nên sợ McDonald’s, CEO Pizzahome cho biết: Sức ép của McDonald’s đối với thị trường đồ ăn nhanh Việt không có quá nhiều.

Nhiều cửa hàng fastfood Việt mở ra nhưng phá sản

Có thể thấy, thị trường bán lẻ ngành thức ăn nhanh ngày càng trở thành “miếng bánh ngon”, béo bở, hấp dẫn các doanh nghiệp ngoại. KFC là thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực fastfood tại Việt Nam. Hiện tại, Lotteria đã tuyên bố họ là chuỗi cửa hàng ăn nhanh có nhiều cửa hàng và độ phát triển mở rộng cửa hàng nhanh nhất. Ngoài ra thị trường fastfood Việt còn có các tên tuổi khác như BBQ Chicken (Hàn Quốc), Carl Jr, Subway, Burger King, Domino’s (Mỹ)... và gần đây nhất là ông lớn McDonald’s cũng xuất hiện và chia thị phần.

McDonald’s đặt chân tới đã chính thức “châm ngòi nổ” cho trận chiến thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, có một sự thật là: Đồ ăn nhanh Việt Nam đang bị các tên tuổi lớn quốc tế lấn lướt ngay tại sân nhà.

Sở dĩ fastfood Việt khó có thể xây dựng nên một McDonald’s, KFC, Pizza Hut, Domino’s Pizza, Subway hay Burger King… của riêng Việt Nam, theo chuyên gia marketing và franchising, ông Hoàng Tùng - CEO Pizzahome có rất nhiều nguyên do.

Ông Hoàng Tùng - CEO Pizzahome cho rằng: Các hãng thức ăn nhanh Việt Nam Không nên sợ Mcdonalds nhưng cũng cần học hỏi kinh nghiệm của
Ông Hoàng Tùng - CEO Pizzahome cho rằng: Các hãng thức ăn nhanh Việt Nam Không nên sợ Mcdonald's nhưng cũng cần học hỏi kinh nghiệm của "gã khổng lồ" này.

Ông giải thích: Thị trường đồ ăn nhanh tại Việt Nam có một khó khăn lớn nhất đó là giá thành mặt bằng thuê cao, thời gian cho thuê ngắn. Ngoài ra, không phải chủ nhà cho thuê nào cũng có tầm nhìn dài hạn và tinh thần hỗ trợ người thuê.

Còn tại những nước phát triển, hợp đồng thuê nhà thường kéo dài ít nhất 5 năm với điều kiện thuê tiếp ưu đãi dành cho người thuê trước. Đó là cách luật phát ủng hộ doanh nghiệp phát triển.

“Kinh doanh trong lĩnh vực fastfood không dễ dàng. Rất tiếc khi khá nhiều cửa hàng fastfood Việt mở ra, bắt đầu tạo lập được thương hiệu, tạo lập được tập khách hàng quen thuộc thì bị nâng giá một các vô lý và o ép nên phải chuyển địa điểm, quy trình xây dựng khách hàng thân thiết phải làm lại gần như từ đầu. Đó là một sự lãng phí lớn về thời gian và nguồn lực” – ông Tùng nói.

McDonald’s vào Việt Nam buộc doanh nghiệp Việt hoàn thiện hơn

Mới đây, Euromonitor xác nhận mức tăng trưởng ngành fastfood tại Việt Nam luôn ổn định ở mức 15 - 20% trong nhiều năm qua, đó là một mức tăng trưởng rất ấn tượng. Đặc biệt với sự xuất hiện của McDonald’s tại Việt Nam, đó là dấu hiệu của một thị trường có sự tăng trưởng và dư địa phát triển ngành rất tốt.

Trước sự tấn công vũ bão của “gã khổng lồ” McDonald’s, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh đã “trấn an” các doanh nghiệp Việt rằng: Đồ ăn nhanh Việt Nam không nên sợ McDonald’s. “Chúng ta phải bình tĩnh. Bởi vì bánh mì của ta nổi tiếng ngon trên thế giới. Ở Úc, ở Pháp họ đánh giá rất cao bánh mì Việt Nam. Nhiều tạp chí cũng bình chọn đây là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới” – ông Doanh nói.

Đồng ý một nửa với ý kiến của TS Lê Đăng Doanh rằng không nên sợ McDonald’s, CEO Pizzahome cho biết: Sức ép của McDonald’s đối với thị trường đồ ăn nhanh Việt không có quá nhiều. Theo một chiều hướng ngược lại, sự xuất hiện của McDonald’s có tác động tích cực nhiều hơn là tiêu cực đến thị trường đồ ăn nhanh Việt Nam.

Sự xuất hiện của McDonald’s có tác động tích cực nhiều hơn là tiêu cực đến thị trường đồ ăn nhanh Việt Nam.
Sự xuất hiện của McDonald’s có tác động tích cực nhiều hơn là tiêu cực đến thị trường đồ ăn nhanh Việt Nam.

Tại sao? Vì thị trường đồ ăn nhanh Việt Nam tuy đã phát triển nhưng so với tỷ trọng doanh thu của lĩnh vực ẩm thực nói chung thì vẫn còn khiêm tốn. Sự xuất hiện của McDonald’s là tín hiệu cho thấy thị trường đồ ăn nhanh Việt đã trưởng thành với dung lượng người sử dụng dịch vụ tăng trưởng và tiềm năng thị trường còn rất lớn.

Ngoài ra, sự xuất hiện của McDonald’s tạo nên sức ép bắt buộc các doanh nghiệp đồ ăn nhanh Việt Nam phải hoàn thiện mình hơn nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm tốt hơn, người tiêu dùng cũng từ đó có nhiều sự lựa chọn chất lượng hơn. Đó là những tín hiệu tích cực.

Việc fastfood Việt bị các tên tuổi nước quốc tế lấn lướt tại sân chơi Việt, theo ông Tùng là một điều đáng tiếc. Bởi ẩm thực Việt Nam rất phong phú, có nhiều món ăn ngon, có thể biến chuyển thành những món ăn nhanh. GS Philips Kotler, cha đẻ của Marketing hiện đại đã từng gợi ý định vị cho du lịch Việt là “Việt Nam, bếp ăn của thế giới”. Rất nhiều món ăn của Việt Nam nằm trong top 100 món ăn ngon nhất thế giới do CNN bình chọn.

Tuy nhiên, phải nhìn lại thực tế rằng trong lĩnh vực ăn nhanh, sản phẩm ngon chỉ là một trong những thành tố có thể tạo nên một thương hiệu thành công. Những yếu tố còn lại là: Vốn đầu tư dài hạn, khả năng quản trị doanh nghiệp theo chuỗi, khả năng xây dựng quy trình chế biến thức ăn, khả năng làm thương hiệu và marketing v.v... Điều này rất nhiều doanh nghiệp fastfood Việt Nam không có. Đây chính là một lý do nữa khiến doanh nghiệp fastfood Việt lép vế so với các ông lớn quốc tế trên chính đất nước mình.

Hơn nữa, “điểm hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực ẩm thực, tôi nghĩ vẫn nằm ở Tư duy” – ông Tùng nhấn mạnh. Khi có tư duy phát triển rồi, doanh nghiệp sẽ biết gây dựng cho mình sản phẩm khác biệt, điểm khác biệt. Từ đó mới tính đến chuyện quy trình hóa, đào tạo nhân sự và nhượng quyền. Trong khi đó, tư duy “gia truyền” đã ăn quá sâu vào nếp nghĩ của những cửa hàng ẩm thực Việt.

“Chúng ta tự hào khi có Chả cá Lã Vọng, phở Thìn, phở Bát Đàn v.v... nhưng chúng ta cũng nên tự vấn khi tại sao sau bao nhiêu năm phát triển, những thương hiệu mà chúng ta “tự hào” vẫn nhỏ nhỏ, con con và bình bình như vậy? Tại sao chúng ta có bao nhiêu quán phở “gia truyền” nhưng phải chờ đến người có tư duy doanh nhân như Lý Quý Trung, ta mới có “Phở 24”. Tại sao chúng ta có bao nhiêu của hàng bánh cuốn “gia truyền” nhưng phải chờ đến anh Nguyễn Việt Khương mới có thương hiệu Bánh cuốn Gia An?” – CEO Pizzahome nói về một trong số ít các thương hiệu fastfood Việt được ưa chuộng hiện nay với sự trăn trở.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại