“Mưu đồ”' tỷ đô của các đại gia Việt

Đã qua cái thời tỷ đô được dùng để tính chung cho cả một ngành hàng. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp (DN), doanh nhân đã có những mốc tỷ đô cho riêng mình.

Con số tự hào

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) mới được cấp phép đầu tư nhà máy sữa tại Campuchia với tổng vốn 23 triệu USD. Dự án này, theo kế hoạch sẽ có doanh thu khoảng 35 triệu USD vào năm 2015 và đến năm 2017 dự kiến đạt khoảng 54 triệu USD.

Những con số trên không lớn so với quy mô của DN Vinamilk nhưng nó nằm trong chiến lược mở rộng thị trường ra toàn cầu nhằm tăng gấp đôi doanh thu hàng năm lên 3 tỷ USD vào 2017. Với doanh thu đó, Vinamilk sẽ lọt top 50 nhà sản xuất sữa hàng đầu thế giới.

Khát vọng của Vinamilk với CEO Mai Kiều Liên là rất lớn. Ước mơ tỷ đô giờ đây là chữ số 3 bởi từ năm 2010 DN này đã đạt được con số hơn 1 tỷ USD; năm 2012 doanh thu đã là 27,4 ngàn tỷ (khoảng 1,3 tỷ USD) và năm 2013 có thể đạt 1,5 tỷ USD.

Doanh nhân Việt và giấc mơ nghìn tỷ
Doanh nhân Việt và giấc mơ nghìn tỷ

Con đường đến với mức doanh thu 3 tỷ USD trong năm 2017 có lẽ cũng không còn xa bởi trong 2013, DN này đã đưa vào vận hành thêm 2 “siêu nhà máy” sản xuất sữa nước và sữa bột trẻ. Đồng thời, Vinamilk cũng nâng vốn đầu tư tại một nhà máy New Zealand, và bắt đầu có mặt ở Mỹ.

Với thị phần sữa nước nội địa gần 50%, giá trị xuất khẩu sản phẩm sữa tăng trưởng bình quân 70%/năm, các dự án mới có thể giúp DN nay gia tăng doanh thu của mình.

Năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam có doanh nhân lọt danh sách tỷ phú Forbes. Theo danh sách những người giàu nhất thế giới do Forbes công bố hồi tháng 3/2013, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup có khối tài sản trị giá 1,5 tỷ USD và xếp thứ 974 trong tổng số 1.426 tỷ phú trên thế giới.

Vị tỷ phú 44 tuổi đang cùng vợ là bà Phạm Thu Hương nắm giữ 50% cổ phần tại Vingroup (VIC). Ông Vượng trở thành tỷ phú đô nhờ bước khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ ăn liền tại Ukraina với Technocom. Bước đột phá lớn nhất là quyết định về Việt Nam năm 2001 để đầu tư vào BĐS và du lịch.

Hiện tại, ông Vượng đang sở hữu nhiều dự án BĐS lớn tại những khu đất vàng ở Việt Nam và đang tiếp tục phát triển những dự án cao cấp mới thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước.

Thêm nhiều ước mơ

Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của người giàu thứ 7 trên sàn chứng khoán - ông Lê Phước Vũ cũng không ngại ngần lên kế hoạch 2013 - 2017 đạt mốc doanh thu đạt 1 tỉ USD.

Đây là mốc mới có rất ít DN Việt Nam đạt đến và trong giai đoạn khó khăn này các DN không dám đặt kỳ vọng nhiều. Tuy nhiên, với ông chủ HSG, điều đó không quá xa.

Chia sẻ về điều này, ông Lê Phước Vũ cho biết, 2013, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ hàng hóa thu hẹp. Riêng với ngành thép, năm vừa qua cũng gặp nhiều khó khăn do sức mua yếu, nguồn cung dư thừa, thép trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Mặt khác, tình trạng đóng băng thị trường BĐS vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, kết thúc niên độ tài chính 2012-2013, HSG một lần nữa hoàn thành mục tiêu đã đặt ra. Doanh thu thuần đạt 11.760 tỷ đồng (khoảng 560 triệu USD).

Bên cạnh đó, HSG tiếp tục khẳng định vị thế một trong những DN xuất khẩu tôn hàng đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á với sản phẩm đã có mặt tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và kế hoạch đầu tư ra nước ngoài đã được thông qua.

Theo kế hoạch, HSG trong năm 2013 - 2014 sẽ đạt doanh thu 14 nghìn tỷ đồng (khoảng 670 triệu USD). Với tốc độ tăng trưởng như trong vài năm gần đây, nhiều khả năng mốc 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2017 hoàn toàn có thể thành hiện thực.

Cũng với khát vọng tỷ đô, Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh đã vạch ra kế hoạch trở thành một trong những DN Việt Nam đầu tiên trong ngành thủy sản Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có doanh số tính bằng tỷ USD vào năm 2015.

Chưa biết HVG có thực hiện được kế hoạch đề ra hay không nhưng với lịch sử doanh thu tăng 1.000 lần trong 10 năm qua, HVG từ một nhà máy với công suất 50 tấn cá nguyên liệu/ngày lên trên 1.000 tấn như hiện nay thì con số 1 tỷ USD được nhiều người đặt niềm tin.

Theo kế hoạch trước đó, năm 2014 HVG sẽ xuất khẩu 500 triệu USD tôm và cá, đưa doanh số năm 2014 lên từ 15.000 -16.000 tỷ đồng.

TH Group với sản phẩm TH true MILK cũng đang vạch cho mình một kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ. Mới đi vào hoạt động từ năm 2010 nhưng trong năm vừa qua doanh thu đã đạt khoảng 4.000 tỷ đồng. DN này đặt mốc doanh thu hơn 1 tỷ USD vào năm 2017, sau khi đạt mức 15.000 tỷ đồng năm 2015.

Tập đoàn công nghệ hàng FPT trong 2 năm 2011 và 2012 cũng đã đạt doanh thu trên 1 tỷ USD. Gần đây, tập đoàn này xác định một trong những định hướng chính trong thời gian tới là đạt 1 tỷ USD doanh thu tại thị trường ngoại, trở thành DN lớn trong khu vực.

Khá nhiều DN cũng hứa hẹn doanh thu tính bằng tỷ USD như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Ma San, Hoàng Anh Gia Lai… Nhiều DN ngoài sàn cũng có quy mô rất lớn và khát vọng tỷ đô có lẽ đã đạt được hoặc sắp đạt được như: Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) của ông Jonathan Hạnh Nguyễn, DN của ông Huỳnh Uy Dũng, Tập đoàn Nam Cường của bà Thúy Ngà, DN nhà ông Võ Quốc Thắng, Tân Hiệp Phát của ông chủ Dr Thanh, DOJI của ông chủ vàng Đỗ Minh Phú.

Tỷ đô là một ngưỡng quan trọng đánh dấu quy mô DN trên phạm vi toàn thế giới. Đối với doanh nhân cũng vậy, cái ngưỡng tài sản 1 tỷ USD cho phép họ lọt câu lạc bộ những người giàu nhất thế giới, mà hiện chỉ khoảng hơn 1.000 người.

Giờ đây, rất nhiều DN đã dám đặt ra mục tiêu sản xuất hàng hóa dịch vụ trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng như vậy. Nhiều DN thậm chí còn xác định mục tiêu thu tiền tỷ USD từ thị trường nước ngoài. Không những thế, có những doanh nhân đã có tài sản đạt ngưỡng tỷ phú USD. Đây là đáng mừng, nó cũng thể hiện sự khát vọng, sự lớn mạnh của các DN trong nước, có thể vươn ra cạnh tranh với các DN ngoại.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại