Đua nhau làm thêm dịp Tết
Cuối năm, nhu cầu tìm kiếm người làm thêm tăng cao, các cuộc “chạy đua” tìm người giúp việc thời vụ bắt đầu nở rộ mạnh mẽ.
Vào dịp này, nhiều dịch vụ thương mại hỗ trợ tìm kiếm việc làm, sinh viên tranh thủ bán hàng online, giúp việc…trở nên sôi động và đa dạng hơn ngày thường.
Liên hệ với đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội vị này cho biết:
Vào dịp Tết, trung tâm thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người lao động, sinh viên có nhu cầu tìm kiếm việc làm khoảng 2-3 buổi/tuần, với sự tham gia của nhiều đơn vị doanh nghiệp, các công ty, cơ sở có nhu cầu tuyển dụng.
Tại đây họ (người lao động hay sinh viên) có thể tìm công việc phù hợp với mình và được những đơn vị có nhu cầu tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp.
Công việc chủ yếu vẫn là làm thêm thời vụ như bán hàng, làm PG (nhân viên tiếp thị), giúp việc… với mức lương khá cao gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Mai (Đại học Công đoàn Hà Nội) cho biết: Năm nay chiều 28 Tết em mới về quê, ở lại Hà Nội tranh thủ giúp việc Tết tại các gia đình.
Công việc của em đa dạng hơn mọi người vì làm quen rồi, hay được chủ nhà giới thiệu cho người quen, thêm vào đó em còn giúp việc thêm tại quán may quần áo nữa.
“Vào những ngày bình thường trong năm, giá giúp việc theo giờ chỉ từ 30-40 nghìn đồng/1 giờ.
Cuối năm, đặc biệt là mấy ngày cận Tết giá cao tăng lên cao hơn rất nhiều từ 120-180 nghìn đồng/2 giờ, tính ra một ngày có thể làm được nhiều gia đình nếu có quen biết, hoặc được giới thiệu đến làm.
Thêm vào đó có nhiều gia đình tốt bụng họ còn thưởng thêm tiền hay cho quà Tết nếu mình làm tốt”.
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, những ngày này trên các trang mạng xã hội không ít bạn trẻ cũng “tranh thủ” bán các mặt hàng online như hoa quả, quần áo, bánh kẹo, quà Tết… với lượng khách ổn định và thu về lợi nhuận khá.
Tranh thủ vừa làm công ty, vừa bán các loại táo online phục vụ cho dịp Tết, Chiến (Nhân viên công ty Nội Thất tại Hà Nội) cho biết:
"Vì nhà trồng táo, lại thấy nhiều người bán với giá cao, nên em quyết định giúp bố mẹ vận chuyển táo từ quê lên bán.
Do bán giá rẻ nên rất nhiều người đặt hàng, từ đầu tuần đến giờ em bán được gần 3 tạ táo các loại lời được khoảng hơn 2 triệu đồng".
Tết đến, là khoảng thời gian không khó để tìm được cho mình những công việc thời vụ phù hợp, với mức thu nhập cao.
Đặc biệt, với những ai không về quê ăn Tết, có thể dễ dàng kiếm được 500 nghìn -1 triệu đồng/ngày vì đây là thời điểm khan hiếm người làm.
Không phải công việc nào cũng… lương cao
Công việc lao động vất vả, đi sớm về muộn, lương thấp… là tình trạng chung của các công nhân làm việc thời vụ tại các khu công nghiệp, các làng nghề truyền thống ngoại thành Hà Nội như La Phù, An Khánh – Hoài Đức.
Khoảng 6,7 giờ sáng đến những nơi này vào ngày cuối năm, dọc các con đường rất dễ dàng để phóng viên (PV) có thể “nhập hội” trò chuyện với các lao động thời vụ.
Phần lớn người lao động chủ yếu là nữ và đến từ nhiều nơi khác nhau.
Theo tìm hiểu của PV công việc chủ yếu của họ là đi dọn ruộng thuê, quét sơn nhà, gánh đất, làm công nhân bóc hay đóng gói bánh kẹo… với mức thu nhập trung bình chỉ từ 100-200 nghìn đồng/ngày.
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Chạp chị Thanh và các cô hàng xóm lại “rủ nhau” về xã La Phù (Hoài Đức – Hà Nội) để tranh thủ làm kẹo thuê tại các nhà xưởng, các công ty bánh kẹo nhỏ lẻ cần lao động thời vụ.
Chị chia sẻ: Công việc của các chị bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 5 rưỡi chiều, nghỉ trưa khoảng hơn 1 tiếng sau đấy bắt đầu làm “một mạch” đến khi về, nhiều nhà còn mượn cớ bắt làm thêm đến tận tối khuya mới cho về lương tăng ca thêm cũng không đáng là bao.
“Lương thấp lắm chỉ từ 100-130 nghìn đồng, làm vất vả mà toàn bưng bê, bóc kẹo, đóng gói có hôm làm xong không có sức đạp xe về nữa”.
Cảnh giác với chiêu lừa đảo. Hiện nay, trên nhiều tuyến đường, trong các bảng thông báo tại nhiều khu công công, các trụ điện hay các trang mạng xã hội thường xuyên đăng nhiều thông báo tuyển dụng hấp dẫn vào dịp Tết.
Rất nhiều người cả tin với những lời mời “việc nhẹ lương cao” đầy sự hấp dẫn nên đã mất cảnh giác, sập bẫy khi đi tìm việc và cuối cùng “tiền mất, tật mang”.
Chính vì vậy người lao động và sinh viên làm thêm hãy cảnh giác trước khi kiếm cho mình công việc phù hợp.