Gần đây có thông tin Bộ Công thương – đại diện vốn nhà nước – hiện đang nắm giữ 89,59% cổ phần của công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), đã đề xuất phương án bán tiếp cổ phần của Sabeco trong giai đoạn 2014-2015 theo 2 bước. Theo đó, bước 1 sẽ giảm vốn điều lệ của Nhà nước tại Sabeco từ mức 89,59% hiện tại xuống còn 65% và ở bước 2, Nhà nước chỉ còn nắm giữ dưới 40% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này.
Ngay sau đó, Sabeco được Thai Beverage (ThaiBev) - công ty của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đề xuất mua với giá 2 tỷ USD.
Sabeco - Át chủ bài phân định ngành bia tại Châu Á
Việt Nam đang đứng thứ 3 châu Á về lượng tiêu thụ bia rượu. Với dân số 90 triệu dân và tỉ lệ tiêu thụ bia, rượu ở Việt Nam hiện tại, có thể thấy tăng trưởng của ngành bia vẫn đang tiếp tục tăng. Năm 2013 vừa qua, người Việt đã tiêu thụ 3 tỷ lít bia và hầu như những thương hiệu bia hàng đầu thế giới đều đã đặt chân tới Việt Nam.
Tính đến hết năm 2013, vị trí ngành bia không có nhiều sự thay đổi: “ông lớn” Sabeco vẫn làm chủ “cuộc chơi” khi vẫn chiếm hơn 40% thị trường bia Việt. Điều này cho thấy, sự hấp dẫn của doanh nghiệp này đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thai Beverage được xem là một "cá mập" lớn đang tìm những "con mồi" hợp lý để hoàn thành mảnh ghép của mình tại Châu Á. Sabeco không ngoại lệ là một trong những mảnh ghép cần thiết để tạo nên một đế chế mới trong F&B (thị trường thực phẩm và đồ uống) trên thế giới.
Năng lực sản xuất của Sabeco hiện tại chiến 1/3 lượng bia được sản xuất tại Việt Nam – Đây vốn được xem là điểm hấp dẫn nhất mà Sabeco hiện đang có. Thaibev đã có bước tính toán và có lý do riêng của mình khi đưa ra cái giá 2 tỷ USD.
Hãy khoan bàn tới chuyện giá rẻ hay đắt mà ta nên nhìn rõ về mảnh ghép thiết yếu này của ThaiBev.
Ta còn nhớ rất rõ: năm 2012 là năm đầy sự bất ngờ của tỷ phú người Thái Lan. Vị này đã trải qua một thời gian đàm phán kéo dài để mua lại 28% cổ phần của F&N – công ty sở hữu 40% cổ phần của APB, là công ty sở hữu thương hiệu bia Tiger.
ThaiBev vốn coi thị trường ngành bia Châu Á là một thị trường đầy tiềm năng, là cán cân để tập đoàn gia đình này cân bằng và đối đầu với sức mạnh của các công ty bia phương Tây. Khi đó, chính tỷ phú Thái Lan này đã đưa ra mức giá 55 đô-la Singapore/cổ phiếu để F&N nhượng lại 7,9% cổ phần tại APB.
Để nâng tỷ lệ sở hữu ở APB cộng cả 24% cổ phần tại F&N thì ThaiBev hoàn toàn có thể khiến công sức của Heineken “bỏ sông, bỏ bể”. Heineken buộc phải nâng chào giá APB lên 6 tỷ USD. Gián tiếp giúp gia đình tỷ phú Thái Lan tăng thêm 742 triệu USD vì gia đình này đang sở hữu 24% F&N công ty mẹ của APB.
Ngay sau khi hưởng lợi từ thương mua M&A của Heineken, tập đoàn của tỷ phú này cũng đã tiến hành thương vụ mua lại F&N với giá trị hơn 10 tỷ USD. Nên nhớ F&N đang là công ty sở hữu hơn 40 thương hiệu nước giải khát ở Đông Nam Á, là công ty đánh bật Pepsi khỏi liên doanh và buộc Coca-Cola và Pepsi chia thị phần cho F&N tại Indonesia. Không những sở hữu 40 thương hiệu nước giải khát, F&N còn sở hữu những khoản đầu tư mang về lợi nhuận khổng lồ, trong đó có cả khoản đầu tư hơn nửa tỷ USD vào Vinamilk tại Việt Nam.
Mất đi Tiger - thương hiệu bia có tầm ảnh hưởng ở Châu Á vào tay Heineken buộc ThaiBev phải tính toán tìm cho mình một mảnh ghép mới để gia tăng sức mạnh của mình tại Châu Á. Và Sabeco – công ty bia lớn thứ 3 Đông Nam Á đang là lựa chọn thích hợp cho chiến lược phát triển của Thaibev.
Bởi Sabeco có năng lực sản xuất lớn, tỉ lệ tiêu thụ nội địa cao, kèm theo đó là chi phối hơn 40% thị phần tại Việt Nam. Sabeco cũng là thương hiệu duy nhất lúc này Heineken chưa thể vượt qua vì chiến lược giá và phân khúc.
Heineken dù đang tỏ ra vô địch ở phân khúc cao cấp, nhưng tỷ lệ rất sát sao giữa Sabeco và Heineken cũng khiến “ông lớn” này khó chịu. Và đã không ít lần chính Heineken đã ngỏ ý làm cổ đông chiến lược của Sabeco nhưng đều thất bại. Cả Heineken và ThaiBev đều hiểu, nếu để Sabeco rơi vào tay đối thủ thì chắc chắn trong tương lai cuộc chiến ngành bia sẽ trở nên vô cùng khốc liệt. Buộc các “ông lớn” lao vào cuộc đấu mua lại cổ phần làm cổ đông chiến lược.
Chính vì lẽ đó, Thaibev đã bỏ một cái giá cao để được mua lại 49% cổ phần từ Bộ Công thương. Vì trên thực tế, từ khi IPO chính Sabeco đã triệt để tận dụng giá trị của Sabeco và đẩy tỷ lệ pha loãng cổ phiếu lên gấp 3 lần từ khi IPO khiến EPS chỉ đạt 3.550 tháng 11/2014.
Định giá Sabeco cần có cái nhìn quốc tế
Sabeco hiện đang chi phối 40% thị trường bia Việt nhưng không có nghĩa sức ảnh hưởng của Sabeco có tầm ảnh hưởng ở thị trường nước ngoài. Theo kỳ vọng của Sabeco, việc xuất khẩu bia sẽ đạt kim ngạch 1,5 triệu USD - một con số thấp hơn rất nhiều so vớ con số gần 1,5 tỷ USD doanh thu trong năm 2014 mà Sabeco đặt ra.
Việc Thaibev mua lại Sabeco vớ giá 2 tỷ USD cho 49% cổ phần tại Sabeco là một mức giá được coi là hợp lý. Vì yếu tố thương hiệu quốc tế của Sabeco gần như không có, nếu mua lại Sabeco thì ThaiBev phải khá vất vả để đưa thương hiệu này bay cao ra khu vực Châu Á.
Tuy nhiên, bài toán chính sách thuế cũng sẽ khiến Sabeco giảm đi sức hút, bởi Việt Nam đang trong quá trình hoàn thành đàm phán để tham gia hiệp định TPP nhưng lại đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 65%.
Theo cá nhân ông Nguyễn (một chuyên gia kinh tế), đây là một bước đẩy lùi sự phát triển của các công ty bia nội. Vì sau hiệp định TPP, các thương hiêu bia sẽ dễ dàng tấn công thị trường Việt Nam hơn do được hưởng ưu đãi từ hiệp định thương mại tự do. Còn các thương hiệu nội sẽ phải căng sức để đảm bảo giữ được “sân nhà” trong tình thế các thương hiệu Việt chưa tìm được tiếng nói ở sân chơi khu vực.
Sabeco là doanh nghiệp trong nhóm có hoạt động kinh doanh bị áp nhiều khoản thuế, trong đó có thuế tiêu thụ động đặc biệt rất cao. Tất cả những điều này làm mất đi sự hấp dẫn của doanh nghiệp trên.
Một số thông tin cho rằng: định giá 49% cổ phần tại Sabeco với giá 2 tỷ USD là cao so với hiệu số EPS đạt rất thấp là 3.770 trong năm 2013. Nên từ năm 2008 cho tới nay, giá trị cổ phiếu của Sabeco gần như không có biến động so với giá IPO. Một công ty sản xuất bia chiếm hơn 40% thị phần nhưng lại có chỉ số EPS quá thấp khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà. Như vậy, cái giá 2 tỷ USD là giá tốt cho 49% cổ phần tại Sabeco.
Ông Nguyễn cho biết, việc Thaibev mua lại 49% Sabeco với giá 2 tỷ USD được xem là giá quá thấp so với những gì mà Sabeco có. Vì ở đây, ThaiBev sẽ hưởng rất nhiều quyền lợi từ giá trị thương hiệu vô hình của Sabeco mang lại. Như cơ hội tiếp cận sâu vào kênh phân phối truyền thống mà Sabeco đang có. Khối lượng bất động sản kèm theo được ví như “của hồi môn” béo bở. Cả những giá trị vô hình từ thương hiệu bia 333... vốn đựơc người dân ưa chuộng, chưa tính tới năng lực sản xuất của Sabeco dần tăng lên.
Hiệp định TPP được ký kết đồng nghĩa với việc Sabeco có thể bước ra “sân chơi” tiềm năng này. Vì suy cho cùng, chi phí sản xuất của Sabeco không cao nhưng vì là ngành bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt nên giá khá cao so với giá sản xuất. Nắm trong tay một sức mạnh để thay đổi cuộc chơi ở thị trường tiêu thụ bia lớn thứ 3 Châu Á, đồng thời, việc có được cổ phần của Sabeco, có thể làm thay đổi cục diện của cuộc chiến đối đầu lâu năm của ThaiBev và các thương hiệu bia quốc tế khác tại Châu Á.