Về thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước, Cà Mau) hỏi thăm anh Đặng Quyền Huy thì hầu như ai cũng biết.
Hơn 1 tháng qua, anh Huy bỗng thành tâm điểm của truyền thông và các trang mạng xã hội bởi anh mua phải sản phẩm nước giải khát bị hỏng. Điều này đã khiến cuộc sống của anh bị đảo lộn bởi những lời thị phi.
“Miếng mồi” béo bở của dư luận
Trò chuyện với chúng tôi, anh Huy cho biết: “Tôi, các cơ quan chức năng và đại diện công ty Tân Hiệp Phát đã đối thoại, làm rõ vấn đề.
Các chai nước bị hư hỏng trên cũng đã được tiêu hủy theo đúng quy trình pháp luật”.
Theo anh Huy, vào trung tuần tháng 2/2015, anh có mua 5 chai nước giải khát của công ty Tân Hiệp Phát tại đại lý nước ngọt Phương Duy, thuộc khóm 2, thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau).
Anh đã phát hiện những chai nước mà mình mua có hiện tượng lạ: 4 chai sữa đậu nành Soya Number One bị vón cục, chai Number One thì bị đổi màu.
3 ngày sau, anh mua 2 chai trà thảo mộc Dr Thanh, loại chai thủy tinh 240 ml, tại một quán cà phê ở ấp Đồng Tâm, thị trấn Cái Nước thì cũng phát hiện hai chai nước này cũng có hiện tượng lạ.
Nghĩ mình mua phải sản phẩm bị hư, cần phải lên tiếng để nhà sản xuất biết nên anh đã gửi thư điện tử cho nhà sản xuất đồng thời thông tin cho các cơ quan báo chí.
Theo lời anh Huy, ngay sau khi gửi thư đi, anh đã nhận được điện thoại của một nhân viên của Tân Hiệp Phát.
Qua điện thoại, nhân viên này đã đưa ra lời giải thích về nhân có thể dẫn tới sự cố trên, đồng thời đề nghị sẽ đổi lại cho anh các sản phẩm cùng loại.
Tuy nhiên, bởi nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, anh Huy đã làm đơn khiếu nại gửi đến Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng huyện Cái Nước.
Anh Huy cũng không thể ngờ rằng, việc mình phản ánh lại ầm ĩ đến vậy.
Trong khi chờ các cơ quan chức năng vào cuộc thì anh trở thành đối tượng được nhiều người cơ quan báo chí săn lùng.
Có nhiều ngày anh chẳng làm được gì ngoài việc tiếp xúc, trả lời các cơ quan truyền thông đại chúng.
Bởi muốn mọi người hiểu rõ, hiểu đúng sự việc nên dù bận rộn đến đâu anh cũng cố gắng dành thời gian để trả cẩn thận mọi câu hỏi mà các phóng viên đưa ra.
Tuy nhiên, theo anh Huy, nhiều báo đã không đưa đúng bản chất sự việc, không nói rõ mục đích khiếu nại của anh.
Thậm chí, có nhiều báo anh trả lời một đằng lại thông tin một nẻo làm sai lệnh hoàn toàn nội dung, bản chất vụ việc.
Nhiều lần vào mạng đọc báo, anh đã vô cùng sửng sốt bởi không hiểu phóng viên viết những bài báo đó lấy thông tin từ đâu.
Bất lực làm con rối và câu chuyện không sợ đi tù
Đọc những lời lẽ trên các trang mạng, diễn đàn, anh cảm tưởng dường như mọi người chẳng quan tâm gì đến thứ mà anh mong muốn, ấy là đánh tiếng để nhà sản xuất đưa ra lời lý giải thỏa đáng cho sự cố ở những sản phẩm anh không may mua phải.
Nhiều các trang mạng, diễn đàn từ đầu đến cuối chỉ mượn việc của anh để thực hiện mục đích thóa mạ, hạ thấp uy tín của nhà sản xuất.
Thậm chí, có người còn mạo danh anh để bịa đặt, đưa ra những thông tin không đúng, gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Anh Huy cho biết, thời gian đó, anh cảm giác mình chẳng khác nào con rối và hoàn toàn bất lực trước dư luận.
Cứ ngỡ mọi phiền toái đã chấm dứt thì khi ngày 17/3/2015, các cơ quan chức năng huyện Cái Nước cùng đại diện Tân Hiệp Phát có buổi làm việc trực tiếp với anh nhưng anh đã nhầm.
Tại buổi làm việc, đại diện Tân Hiệp Phát đã giải thích nguyên do có thể khiến cho sản phẩm của công ty hư hỏng và với những sản phẩm nước giải khát đóng chai thì phần lớn là do quá trình vận chuyển.
Khi ấy, nắp chai bị tác động làm xê dịch, vi sinh có thể lọt vào và gây biến đổi chất lượng sản phẩm. Anh Huy cùng các đơn vị chức năng của huyện Cái Nước đều cho rằng lý giải trên là hợp lý, chuẩn xác.
Bởi hài lòng với lời giải thích trên, ngay hôm đó anh đã tự nguyện rút đơn khiếu nại và đồng thuận với phương án hủy tại chỗ sản phẩm bị hỏng mà mình đã mua.
Anh Huy cho biết, có lẽ việc anh rút khiếu nại đồng thời hủy sản phẩm lỗi mình không may mua phải đã khiến một số người thất vọng. Vậy là họ lại đưa ra vô khối những bình luận thiếu thiện cảm khiến anh bức xúc.
Thậm chí có người còn cho rằng anh đã bị mua chuộc, bởi “sợ đi tù” nên mới nhanh chóng “đầu hàng”. Trước những suy luận này, anh chẳng có cơ hội để thanh minh.
“Tôi thông tin cho báo chí, khiếu nại lên cơ quan chức năng với suy nghĩ đơn giản, sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Đó có phải là sản phẩm của Tân Hiệp Phát? Nếu đúng thì lỗi do nhà sản xuất, do đơn vị phân phối, vận chuyển, hoặc có thể là việc phá hoại trong cạnh tranh kinh doanh hay không”, anh Huy chia sẻ.
“Tôi rút đơn là hoàn toàn tự nguyện, không vì bất cứ sức ép nào cả và chưa bao giờ tôi sợ hãi chuyện “đi tù” như nhiều người suy diễn”, anh Huy nhấn mạnh.
Theo anh Huy, nếu sản phẩm của Tân Hiệp Phát thực sự có vấn đề thì anh hoàn toàn có quyền khiếu nại theo pháp luật. Và đương nhiên, người tiêu dùng, các cơ quan hữu trách sẽ đứng về phía anh.
“Tôi chỉ có nguy cơ đi tù khi tôi lợi dụng điều đó để tống tiền họ, trục lợi cá nhân.
Ở đây tôi khẳng định, việc làm của tôi xuất phát từ ý nghĩ bảo vệ quyền lợi tiêu dùng hợp pháp của tôi và vì sức khỏe của cộng đồng.
Ngoài ra, tôi là một dược sĩ, có hiểu biết pháp luật, nếu sản phẩm của Tân Hiệp Phát có vấn đề, mà lỗi do họ, họ phải chịu trách nhiệm với cơ quan chức năng, với người tiêu dùng.
Nếu tôi uy hiếp, tống tiền họ thì tôi phải chịu trách nhiệm với pháp luật. Đó là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau”, anh Huy nhìn nhận.