Luẩn quẩn
Phiên tăng hơn 10 USD/oz vào đêm 12-3 của giá vàng thế giới đưa giá vàng trong nước sáng 13-3 trở lại mốc 44 triệu đồng/lượng lần đầu tiên sau gần 1 tuần ở dưới mốc này. Trong khi đó, giá USD thị trường tự do giảm 30 đồng.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Tp.HCM ở mức 43,92 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,02 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tại Hà Nội cùng thời điểm, vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý mua vào ở mức 43,96 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 44,03 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng SJC hiện tăng 100.000 đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi tính theo giá USD tự do và không bao gồm chi phí, giá vàng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn gần 3,4 triệu đồng/lượng.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Cty đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, câu chuyện về vàng diễn ra hơn một năm nay trên thị trường Việt Nam có nhiều điểm “lạ”: Trước hết là chọn thương hiệu quốc gia là vàng SJC, rồi cho chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC. Tiếp nữa là quy định mua bán vàng SJC một lượng rồi đến tối ngày 12-3, NHNN mua luôn cả vàng phi SJC. Đây là cả một chuỗi luẩn quẩn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho rằng, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu phi SJC như Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội), Ngọc Thẩm (Mỹ Tho) đến thời điểm này không ai giữ quá 5% vàng phi SJC.
Chỉ có các ngân hàng phát hành thương hiệu của mình mới giữ vàng SJC nhiều trong tay và điều này khiến người chịu thiệt là các nhà đầu tư đã bán vàng phi SJC trong thời gian qua.
“Chuyện của NHTM phải tất toán theo đúng thời điểm của NHNN yêu cầu là việc mà NHTM phải làm. Thứ hai là việc họ huy động của dân vàng nào thì họ phải trả cho dân vàng đó chứ không nên hiểu một cách tiêu cực rằng NHNN đang cứu các NHTM”- ông nói.
Tích cực và tiêu cực
Theo PGS, TS Ngô Trí Long, ngân hàng T.Ư ở các nước trên thế giới không kinh doanh vàng mà chỉ thực hiện chức năng quản lý. Các nước theo mô hình kinh tế thị trường không độc quyền một thương hiệu vàng miếng, mà luôn tồn tại nhiều thương hiệu khác.
Ngoài ra, mỗi DN có một thương hiệu riêng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tuổi vàng, chất lượng, nhãn mác... Nhưng Nghị định 24 quy định chỉ độc quyền một thương hiệu vàng miếng, NHNN tham gia kinh doanh vàng, chọn SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia liệu có phải là ”vừa đá bóng, vừa thổi còi” không?
Theo ông Long, trong bối cảnh hiện nay, việc thu mua cả những loại vàng phi SJC cho thấy NHNN cũng đã có hướng để tránh độc quyền thương hiệu. Điều này là có lợi.
Nhưng NHNN sẽ thu mua theo giá nào? Vì vàng phải mua theo tuổi và chất lượng. Do đó, cần xem xét giá mua để đảm bảo quyền lợi của người bán vàng.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nên nhìn nhận động thái nói trên của Ngân hàng Nhà nước theo 2 hướng tích cực và tiêu cực. Điểm tích cực là thị trường sẽ có thêm nhiều nguồn cung hơn khiến cho cung cầu quân bình.
Ngược lại, điểm tiêu cực nhìn thấy là người dân, nhà đầu tư bị ảnh hưởng khi chính sách thay đổi, dẫn đến tâm lý bức xúc và câu hỏi ai sẽ là người bù trừ cho tổn thất của họ khi nắm giữ vàng “phi” SJC trước đây.
Ngày 12- 3, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có hai văn bản để chuẩn bị và triển khai cho việc chính thức tham gia mua bán vàng miếng thời gian tới, bao gồm quyết định về việc thành lập tổ giám sát gia công vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước và thông tư hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư này chính thức quy định loại vàng miếng dùng cho giao dịch mua, bán với Ngân hàng Nhà nước là vàng miếng hàm lượng 99,99%, loại 1 lượng do Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất hoặc tổ chức sản xuất trong các thời kỳ.
Trong thời gian trước mắt, loại vàng miếng giao dịch mua bán với Ngân hàng Nhà nước là vàng miếng do cơ quan này tổ chức sản xuất (vàng miếng SJC).
Đáng chú ý là tùy điều kiện thực tế, trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét mua bán các loại vàng miếng khác do Ngân hàng Nhà nước đã cho phép sản xuất trong các thời kỳ.