Một nửa Metropole Hà Nội bị rao bán

myle |

Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, Tập đoàn VinaCapital, việc này nhằm đảm bảo lợi nhuận về lâu dài cho quỹ đầu tư.

Financial Times hôm qua loan tin, Quỹ VinaCapital Việt Nam Opportunity Fund (VOF) vừa thuê công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle rao bán 50% cổ phần trong khách sạn Metropole Hà Nội, tương đương giá trị sổ sách 58,7 triệu USD. Thông tin được công bố bởi ông David Dropsey - Giám đốc quản lý quan hệ nhà đầu tư của VinaCapital.

Các công ty môi giới bất động sản đều cho rằng giao dịch trên sẽ khó thực hiện với mức giá cao hơn giá trị sổ sách, nhất là trong tình hình kinh tế ảm đạm ở Việt Nam như hiện nay. Tổng công ty Du lịch Hà Nội, thuộc UBND thành phố Hà Nội, nắm giữ 50% cổ phần còn lại trong Metropole, đồng thời kiểm soát toàn bộ hoạt động kinh doanh của khách sạn.

Một nửa Metropole Hà Nội bị rao bán 1

Khách sạn Metropole Hà Nội: Ảnh: Metropole

Nhiều nhà đầu tư cho rằng Metropole là tài sản hấp dẫn. Tuy nhiên, họ sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi chấp nhận mức giá cao mà VinaCapital đưa ra, do khách sạn này vẫn chịu kiểm soát của thành phố Hà Nội. Metropole là khoản đầu tư lớn thứ hai của Vietnam Opportunity Fund. Quỹ này có giá trị vốn hóa khoảng 550 triệu USD.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, trưởng bộ phận đầu tư, Tập đoàn VinaCapital cho hay, thoái vốn là một trong những chiến lược để mang lại lợi nhuận cho Quỹ đầu tư về lâu dài.  "Đối với Metropole nói riêng và những dự án bất động sản khác của VinaCapital nói chung, chúng tôi đều tham khảo giá trị từ các nhà tư vấn trong đó có Jones Lang LaSalle, nếu giá tốt, chúng tôi sẽ bán", ông tiết lộ.

Ông Andy Hocũng cho hay hiện nay có khá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến các khoản đầu tư của VOF, trong đó có Metropole. Theo ông, trong bối cảnh bất động như hiện nay, quyết định của VOF không dựa vào thị trường mà phụ thuộc vào giá trị bán.

Một số nhà đầu tư quốc tế vẫn luôn săn tìm các bất động sản đang khó khăn được bán với giá rẻ. Tuy nhiên theo ông Marc Townsend, Giám đốc công ty môi giới bất động sản CBRE tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn ngần ngại với cấu trúc sở hữu phức tạp tại Việt Nam.

“Tuần nào cũng có người đến xem bất động sản, nhưng sau đó lại nhận ra mình sẽ không đạt được quyền kiểm soát và cấu trúc sở hữu như mong muốn. Vì thế, nhiều quỹ đầu tư của Singapore và Nhật Bản chẳng bao giờ mua bất động sản ở đây”, ông Marc Townsend chia sẻ.

VinaCapital là một trong nhiều quỹ đã huy động được hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư quốc tế, khi Việt Nam còn thuộc top những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất trước năm 2008. Tuy nhiên, cùng với các đối thủ chính như Dragon Capital hay Indochina Capital, các quỹ được niêm yết quốc tế của VinaCapital gặp ít nhiều khó khăn khi kinh tế Việt nam xuống dốc, lạm phát cao, nợ xấu tăng, bất động sản đóng băng và vỡ bong bóng chứng khoán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại