'Mốt' làm nông dân – Bài 4: Sếp Him Lam 'bỏ' golf 'chọn' mắc ca

P.Tuyen |

Sau 20 năm kinh doanh BĐS, ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Him Lam đã quyết tâm chuyển hướng sang nông nghiệp với dự án trồng mắc ca trị giá 20.000 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, những thông tin xung quanh dự án phát triển cây mắc ca – mệnh danh là “nữ hoàng quả khô” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là những người quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp.

Đây là một dự án trọng điểm của ngành Nông nghiệp Việt Nam, được phát triển bởi Công ty Cổ phần Him Lam phối hợp cùng Ngân hàng LienVietPostBank với vốn đầu tư lên tới 20.000 tỷ đồng.

Với tham vọng “biến” Việt Nam trở thành thủ phủ mắc ca của thế giới, ông chủ tâp đoàn Him Lam được coi là người tiên phong dám đầu tư quy mô lớn để phát triển loại cây này.

Chia sẻ tại Hội thảo Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam lạc quan, một hécta mắc ca có thể thu hoạch được 4,7 tấn hạt, cao gấp đôi cây cà phê và cao hơn nhiều các loại cây công nghiệp khác như ca cao, hồ tiêu, hạt điều.

Trên thị trường, nhu cầu loại hạt này gấp 4 lần cung, khiến cho giá bán có thể lên tới một triệu đồng một kg.

“Tôi tình nguyện làm Chủ tịch Hiệp hội. Làm Chủ tịch tức là tôi bớt thời gian đi đánh golf, dù không muốn nhưng vẫn làm vì quyền lợi của người trồng mắc ca”, đại gia này nói.

 - Ảnh 1
Ông chủ Him Lam cùng giấc mơ "cây tỷ đô"

Hiện tại, Him Lam cùng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank) đã xây dựng đề án đầu tư phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên, tổng trị giá khoảng 20.000 tỷ đồng.

Dự án bắt đầu triển khai cụ thể từ năm 2015 để nhân rộng diện tích lên 250.000 hécta, biến Tây Nguyên thành một vùng rộng lớn chuyên sản xuất “cây tỷ đô”.

Theo chia sẻ của đại gia Dương Công Minh, để mắc ca trở thành ngành công nghiệp chủ lực, đặc biệt là tại khu vực Tây Nguyên, yếu tố sản xuất với quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao là đặc biệt quan trọng và đây chính là chìa khóa để mắc ca cất cánh.

Chủ tịch Him Lam cũng được bầu làm Phó ban chỉ đạo dự án mắc ca tại Lâm Đồng.

Ngoài việc khuyến khích người dân trồng xen và trồng trên đất trồng phù hợp, Him Lam còn cam kết tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân cũng như bao tiêu sản phẩm.

Đặc biệt, người trồng mắc ca sẽ được bảo hiểm 100% (công ty bảo hiểm do Him Lam làm cổ đông chủ chốt) nếu làm theo đúng dự án.

“Nếu địa phương nào ở Tây nguyên còn do dự, chưa sẵn sàng triển khai và có quỹ đất phù hợp, Him Lam sẵn sàng đầu tư trồng 10.000 ha nhằm tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân.

Người nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội hiện nay, cần phải có doanh nghiệp có thực lực và có tâm đi cùng họ”, đại gia này khẳng định.

Theo đó, Lâm Đồng đồng ý sẽ quy hoạch vùng trồng mắc ca, trước mắt dự kiến quy hoạch 22.025 ha giai đoạn 2015 - 2020, trên cơ sở tái canh một số cây trồng đã già cỗi, hiệu quả kinh tế kém.

Trong đó, trồng xen là 20.530 ha (chiếm 93% tổng diện tích), trồng thuần là 1.470 ha (chiếm 6% tổng diện tích) và 25ha là để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất giống (chiếm 1% tổng diện tích).

Mục đích của việc tập trung chủ yếu trồng xen là không phá vỡ cơ cấu các cây trồng chiến lược tại địa phương và để tăng giá trị thu nhập của người dân trên cùng một diện tích.

Dự kiến trong năm 2015, Him Lam sẽ hoàn thành việc lập hiệp hội mắc ca Tây Nguyên, viện nghiên cứu mắc ca, cũng như tiến hành xây dựng nhà máy chế biến mắc ca đầu tiên tại Việt Nam để phục vụ mục đích phát triển mắc ca lâu dài và bền vững.

>>> 3 đại gia trong top giàu nhất Việt Nam vừa "biến mất" là ai?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại