Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 đã kết thúc. Sự náo nhiệt của phần “hội” không xua tan được nỗi trăn trở của những người quan tâm đến tương lai ngành cà phê Việt Nam.
Một cân cà phê Việt Nam = một ly cà phê ngoại
Mặc dù là quốc gia có hơn 600.000 héc ta cà phê trong niên vụ 2011-2012 với năng suất bình quân đạt 2,3 tấn/héc ta, đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê với kim ngạch khoảng 3,74 tỷ USD và sản lượng xuất khẩu 1.667.000 tấn, nhưng Việt Nam chưa giữ một vị trí cao trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu.
Tại hội thảo diễn ra trong khuôn khổ lễ hội, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã nêu ra một số khó khăn chính của ngành cà phê. Đầu tiên là diện tích cà phê trên 20 năm tuổi chiếm tới 30% tổng diện tích trồng cà phê cả nước.
Theo ông Tự, nếu không tái canh kịp thời thì trong vòng 10 năm tới, diện tích cà phê già cỗi sẽ chiếm khoảng 50% và Việt Nam có nguy cơ đánh mất vị trí nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 thế giới.
Ngoài vấn đề trên, diện tích canh tác cà phê tuy lớn (600.000 héc ta), nhưng không tập trung, dẫn đến khó khăn trong việc đầu tư kỹ thuật trồng trọt, chế biến. Cũng phải kể đến số lượng quá nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực xuất khẩu cà phê (trên 150 doanh nghiệp), nhưng chất lượng cà phê xuất khẩu không ổn định và đa số là loại cà phê thô, chưa qua chế biến.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên cho biết, một ly cà phê ở nước ngoài có giá bán trung bình khoảng 2 USD, trong khi 1 kg cà phê nhân do Việt Nam sản xuất hiện cũng có giá tương tự! Doanh nhân này dự đoán, ngành cà phê Việt Nam có thể mang về mức lợi nhuận lớn hơn nhiều lần so với hiện nay - khoảng 20 tỷ USD một năm - nếu các doanh nghiệp kinh doanh cà phê có chiến lược tốt hơn hiện nay.
Điều thiết yếu là phải xây dựng được một chiến lược quốc gia về phát triển ngành cà phê dài hạn và đồng bộ. Ngoài ra, cần tăng cường tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp cà phê trong nước, bởi hiện nay vẫn mạnh ai nấy làm, khiến nguồn lực bị phân tán.
Vẫn theo ông Vũ, một bài học quý giá cho ngành cà phê Việt Nam là cách người Đức xây dựng chiến lược phát triển ngành cà phê của họ.
Đức thường được mệnh danh là quốc gia của bia, nhưng điều đáng ngạc nhiên là bia chỉ đứng thứ hai sau cà phê về giá trị, cho dù nước này không hề trồng cà phê.
Một trong những bí quyết là chính sách của họ đối với ngành cà phê rất khôn khéo, chẳng hạn chính phủ Đức tiến hành mua cà phê từ các nước khác mang về tích trữ.
Các loại thuế đầu vào, đầu ra cũng được tính toán rất kỹ, khiến cho các nước khác xuất khẩu cà phê vào Đức gặp khó khăn. Trong khi đó, cà phê Đức xuất khẩu ra thế giới lại đạt được mức giá cao, thậm chí “tốt nhất”.
Thêm đường cho cà phê Việt
Nói một cách hình tượng, cà phê Việt Nam đang thiếu “uy lực” dù chúng ta không hề thiếu tiềm năng so với các nước khác. Với hơn 600.000 héc ta cà phê và sản lượng xuất khẩu 1.667.000 tấn mỗi năm, thách thức có lẽ không nằm ở vấn đề sản lượng.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tỏ ra lo ngại về việc Việt Nam chưa tạo ra được “cụm ngành cà phê quốc gia”.
“Đây là điều mà chúng tôi đã đề xuất và trong thời gian gần đây, các nhà hoạch định chính sách ở cấp độ quốc gia đã bắt đầu chú ý. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm rõ cấu trúc nội hàm của cụm ngành này như thế nào để giúp các nhà hoạch định có thể đưa ra những chính sách cụ thể”, ông Vũ nói.
Nếu trong tương lai, chúng ta có thể tạo ra mức doanh thu 20 tỷ USD/năm như hy vọng của người đứng đầu Trung Nguyên, chắc chắn người nông dân trồng cà phê và doanh nghiệp chế biến, kinh doanh cà phê cũng sẽ được hưởng lợi.
Trong lần trả lời phỏng vấn của hãng tin tài chính Bloomberg (Mỹ), ông Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ, doanh thu của Trung Nguyên đã tăng 32% trong năm 2012 so với 2011, đạt 200 triệu USD.
Theo ông, con số này sẽ tăng gấp đôi trong năm 2013, do nhu cầu cà phê đóng gói ở Trung Quốc và Đông Nam Á đang gia tăng mạnh mẽ. Ông tin tưởng rằng, công ty của mình sẽ chinh phục cột mốc doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2016.
Năm 2013, Trung Nguyên sẽ tập trung vào hai chiến lược: coi khu vực ASeAN như “thị trường nội địa”, bằng việc dịch chuyển hoạt động điều hành của công ty sang Singapore để tận dụng tất cả lợi thế về thị trường và nguồn vốn. Tiếp đó là chinh phục thị trường Mỹ.
Trung Nguyên đang dự định mua lại một số nhà máy rang xay cà phê tại nước này, song song với việc mở cửa hàng ở Seattle, New York và Boston ngay trong năm nay. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg, Đặng Lê Nguyên Vũ tiết lộ, ông sẽ bán khoảng 15% cổ phần công ty để có vốn cho cuộc chinh phục nước Mỹ đầy thách thức.
Doanh nhân này nói, ông sẽ xây dựng một thương hiệu toàn cầu và “một đế chế cà phê” trong vòng 10 năm tới để cạnh tranh với Starbucks ngay trên nước Mỹ! Số cửa hàng cà phê của Trung Nguyên dự kiến sẽ tăng lên 200 trong hai năm tới. Hiện nay, công ty đã có 5 cửa hàng hoạt động tại Singapore. Tại Việt Nam, Công ty Trung Nguyên đang đứng đầu thị trường cà phê rang xay với 80% thị phần.
Sứ mệnh tạo thêm uy lực cho cà phê Việt trên nước Mỹ mà Trung Nguyên ấp ủ theo đuổi có thể coi là khát vọng và tinh thần trỗi dậy của một dân tộc. Có nhiều nhiệm vụ lớn mà Trung Nguyên tự đặt ra cho họ.
Thứ nhất, cùng các nhà quản lý của tỉnh, VICOFA và lãnh đạo Trung ương đề xuất chiến lược cà phê quốc gia. Những thành tựu của ngành cà phê là đáng ghi nhận, nhưng vẫn có thể làm được nhiều hơn thế, nếu chịu khó tư duy, xác định lại trách nhiệm của ngành cà phê Việt Nam.
Thứ hai, bắt tay vào phát triển chiến lược ngành cà phê quốc gia, giống như người Malaysia có một chiến lược hẳn hoi với cây cọ dầu, cả với những sản phẩm, dịch vụ có liên quan.
Thứ ba, quy hoạch lại hoạt động giao thương, tạo sự công bằng, tránh sự thao túng của các doanh nghiệp nước ngoài. Thứ tư, xây dựng doanh nghiệp hạt nhân để vươn ra toàn cầu…
Chúng ta cùng chờ xem kỳ tích của Đặng Lê Nguyên Vũ và Trung Nguyên!