Số lượng chi phí và số lần chi trả nhiều khiến phí ngân hàng thường niên trở thành một mối bận tâm không nhỏ đối với khách hàng.
Hiện nay, mỗi cá nhân thường sở hữu ít nhất một thẻ ATM, và nhiều người cũng bắt đầu hình thành thói quen sử dụng các loại thẻ tín dụng (Visa, Master Card hay JCB...) để thanh toán. Dù hiện phần lớn các ngân hàng đều hỗ trợ miễn phí mở tài khoản hay mở thẻ nhưng số lượng phí thu trên các dịch vụ khác là không hề ít. Theo thống kê của các chuyên gia, hàng năm ước tính có khoảng 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng được áp dụng trên tất cả các giao dịch tài khoản cá nhân.
Lấy ví dụ, nếu bạn đang sở hữu một tài khoản ngân hàng thì trung bình hàng tháng, bạn phải trả các loại phí sau: phí duy trì tài khoản thanh toán (9,900 đồng), phí thường niên (30,000 đồng), phí rút tiền mặt (3,300 đồng/ giao dịch), phí chuyển tiền nội mạng tại ATM (1,100 đồng/ giao dịch), phí SMS Banking (11,000 đồng), phí internet banking (8,800 đồng)… và rất nhiều loại phí khác. Tổng cộng mỗi năm, bạn mất đến hơn 1,7 triệu cho tất cả các loại phí dịch vụ này.
Thu phí dịch vụ là xu hướng chung của các ngân hàng để chi trả hoạt động cũng như để nâng cấp chất lượng phục vụ các “thượng đế”, nhưng việc có quá nhiều loại phí bị thu trên nhiều loại giao dịch và phí liên tục được ngân hàng điều chỉnh tăng vẫn khiến người dùng ít nhiều e ngại.
Vì thế, theo các chuyên gia kinh tế, để khách hàng cảm thấy thoải mái với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và tận dụng được lợi ích của thanh toán điện tử, các ngân hàng cần phải hợp lý và minh bạch trong việc thu phí, cũng như cần hỗ trợ khách hàng đơn giản hóa các khâu thu phí và tăng thêm tiện ích.