Ngày 8/2, cửa hàng McDonald’s đầu tiên khai trương tại Thành phố Hồ Chí Minh. McDonald’s là cái tên mới nhất trong những thương hiệu fastfood nổi tiếng của Mỹ gia nhập thị trường Việt Nam. Trước đó, KFC, Starbucks, Subways và Burger King đều đang từng bước bành trướng thế lực tại đây.
The Economist, tạp chí kinh tế nổi tiếng của Anh, nơi đưa ra chỉ số Big Mac nhân dịp này đã cho đăng tải một bài viết đánh giá tổng quan về thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam.
Đầu tiên, nền kinh tế đã có những bước hồi phục, dù còn chậm chạp, sau 5 năm kể từ khủng hoảng kinh tế 2008. Theo báo cáo của Euromonitor, thu nhập bình quân hiện tại của người Việt Nam đang vào khoảng 1.500 – 1.800 USD/năm. Doanh thu từ siêu thị đã tăng trưởng gấp 3 lần trong giai đoạn từ năm 2008 – 2012.
Những con số trên mang lại hy vọng cho các nhà đầu tư. Nhiều người tin rằng, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng cường mua sắm và trở thành động lực chính kéo nền kinh tế quay trở lại thời kỳ tăng trưởng 7%/năm như những 2004, 2005.
Niềm tin đó được cụ thể hóa khi năm ngoái, hàng loạt trung tâm mua sắm mới cũng được khai trương tại 2 thành phố lớn. Có thể kể đến những cái tên nổi tiếng như Tràng Tiền Plaza, hay Vincom Mega Mall.
Nhà tư vấn bất động sản Savills cũng cho thấy thị trường bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu tăng trưởng ở khu vực căn hộ cấp thấp.
Mặc dù vậy, những con số không phải lúc nào cũng màu hồng. Một hãng tư vấn bất động sản khác là CBRE cho biết tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ chỉ dưới 15% trong năm 2013, thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Một vấn đề quan trọng khác đó là niềm tin của người tiêu dùng. "Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, niềm tin của người tiêu dùng đã giảm chóng mặt", TNS Global nhận định. Hai thành phố lớn nhất Việt Nam đang tỏ ra thừa mặt bằng, đặc biệt là tại thủ đô Hà Nội. Khảo sát của Jones Lang LaSalle cho thấy, có một nhà kinh doanh cho thuê mặt bằng đã phải giảm giá để giữ chân khách hàng. Tình trạng dư thừa này được dự báo sẽ còn tiếp tục trong ngắn hạn.
Cuối cùng, kỳ vọng tăng trưởng của bán lẻ hiện đại đang rất khó đánh giá. Dù ngày càng nhiều cái tên mới xuất hiện, nhưng nghiên cứu năm 2013 cho thấy 5 siêu thị bán lẻ lớn nhất Việt Nam hiện chỉ chiếm vỏn vẹn 4% thị trường. Bán lẻ truyền thống: chợ cóc, cửa hàng vỉa hè, vẫn lấn lướt hơn cả.
Nguyên nhân lớn khiến mô hình bán lẻ hiện đại không thể tăng trưởng mạnh dù Việt Nam đã gia nhập WTO từ năm 2007 là do nền kinh tế tỏ ra quá bấp bênh. Kantar Worldpanel cho biết, người Việt Nam hiện tỏ ra lo ngại về tình trạng công việc của mình. Nỗi lo mất việc khiến họ từ bỏ siêu thị và quay về chợ truyền thống để tiết kiệm chi phí.
Tại Hà Nội, chính quyền đã cố gắng biến một số chợ truyền thống thành khu mua sắm, trung tâm thương mại hiện đại nhưng đã "thất bại thảm hại". Chợ Hàng Da là một ví dụ điển hình.
Những con số Chính phủ công bố nghe có vẻ đẹp nhưng lại đang ẩn chứa sai lầm có tính hệ thống. Tỉ lệ thất nghiệp chính thức là 2% được cho là thấp hơn nhiều so với con số thực. Chính phủ nỗ lực mua lại nợ xấu để tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhưng quá trình này vẫn diễn ra hết sức chậm chạp. WB cũng đánh giá quá trình tái cơ cấu hệ thống của Việt Nam đang “chậm hơn kỳ vọng”.
Mặc dù vậy, những vấn đề của nền kinh tế có thể được bù đắp bởi một ưu thế không thể bỏ qua: Dân số trẻ. Đó là những khách hàng tiềm năng, một lượng người tiêu dùng đông đảo hấp dẫn các nhà bán lẻ. Dân số trẻ và số lượng tầng lớp trung lưu ngày một tăng là lợi thế giúp bù đắp lại những khiếm khuyết mà nền kinh tế đang vướng phải, đủ để thúc đẩy những thương hiệu lớn từ khắp nơi trên thế giới không ngừng đổ về Việt Nam.