Với nhu cầu thiết thực về nhà ở, nhiều người ký hợp đồng “góp vốn” để mua căn hộ hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, họ không thể ngờ vì đã mất tiền tỷ khi mua phải căn hộ từ những dự án “ma”, hoặc gặp phải những chủ đầu tư (CĐT) không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án…
Dự án “ma”
Dưới cái “mác” là Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc của nhiều công ty như: Công ty TNHH tổ hợp ViNa, Công ty TNHH An Huy Vi Na, Công ty TNHH TM đầu tư địa ốc Vi Na, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển xây dựng ViNa Miền Bắc, Dương Mạnh Hùng (35 tuổi, ngụ Thanh Xuân, Hà Nội) biết vợ chồng ông Lê Quang Diệu đang rao bán căn nhà ở phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Hùng tiếp cận vợ chồng ông Diệu và đề nghị hai bên cùng hợp tác góp vốn kinh doanh tại căn nhà trên.
Vợ chồng ông Diệu góp quyền sử dụng đất, còn Hùng thì tự huy động vốn đầu tư xây dựng với tổng số tiền dự kiến khoảng 20 tỷ đồng. Lợi nhuận được chia theo tỷ lệ: vợ chồng ông Diệu 40%, Hùng 60%. Vợ chồng ông Diệu đồng ý. Tháng 12/2010 hai bên ký hợp đồng góp vốn đầu tư tại địa chỉ trên. Tuy nhiên, sau đó hợp đồng này đã hủy bỏ. Vợ chồng ông Diệu bán căn nhà trên cho vợ chồng ông Kỳ và đã được UBND quận Tân Bình cấp giấy phép xây dựng cho vợ chồng ông Kỳ.
Thế nhưng, ngày 11/2/2011 Hùng quảng cáo qua sàn giao dịch bất động sản (BĐS) và trên các phương tiện truyền thông rao bán căn hộ thuộc dự án nhà ở tại địa chỉ nêu trên. Theo quảng cáo, việc mua bán được thực hiện theo hợp đồng góp vốn căn hộ hình thành trong tương lai. Diện tích mỗi căn từ 43 - 64m2 và thời gian giao nhà là ngày 30/5/2011. Mặc dù chưa tận mắt thấy dự án khởi công xây dựng, nhưng có rất nhiều khách hàng không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà còn ở các tỉnh như Phú Yên, Hải Phòng… sau khi xem xong quảng cáo đã vội vàng ký ngay “hợp đồng góp vốn mua căn hộ” và giao nộp tiền “đặt cọc” bằng 30% trị giá căn hộ cho Hùng.
Do thực tế không có dự án nên Hùng không thể tiến hành khởi công xây dựng. Vì vậy, khi chỉ mới “ký hợp đồng góp vốn đầu tư” được với 16 khách hàng và thu hơn 5,7 tỷ đồng thì vụ việc đã bị bại lộ. Rất nhiều lần khách hàng đòi lại tiền nhưng Hùng cứ cố tình trì hoãn, rồi sau đó bỏ trốn. Các nạn nhân đã tố cáo Hùng đến Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, bản thân Hùng hoàn toàn không có tài sản gì. Các văn phòng công ty, văn phòng giao dịch đều là nơi thuê mướn nhưng Hùng đã khai khống để các cơ quan chức năng cấp giấy CNĐKKD cho thành lập nhiều DN với số vốn đăng ký rất lớn, tạo điều kiện để Hùng dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo.
Những chiêu trò của chủ đầu tư
Không chỉ là nạn nhân của dự án “ma”, thời gian gần đây có hàng trăm khách hàng của các dự án nhà ở liên tiếp đến khiếu nại tại Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh do CĐT không thực hiện đúng cam kết hợp đồng, gây tổn thất cho khách hàng.
Với dự án nhà ở do Công ty TNHH Địa ốc G.P (quận 1) làm CĐT, bà Lâm Nguyễn Thái An cho biết, bà đã mua căn hộ dự án của công ty này với giá 1,1 tỷ đồng, nhưng do CĐT không giao căn hộ theo đúng tiến độ như đã cam kết nên bà An yêu cầu thanh lý hợp đồng. CĐT đã ký hợp đồng thanh lý với thoả thuận sẽ trả lại số tiền mà bà An đã đóng trong 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 15/7 đến 31/7/2013 và đợt 2 từ ngày 1/8 đến 15/8/2013.
Tuy nhiên, đã quá thời hạn cam kết, nhưng CĐT vẫn chưa thanh toán tiền đợt 1 nên bà An đã đến trực tiếp công ty để đòi quyền lợi. Thế nhưng, lãnh đạo công ty cố tình né tránh, không gặp, bà An cảm thấy bất an, nghi ngờ công ty có dấu hiệu lừa gạt nên đã nhờ đến cơ quan bảo vệ NTD để hỗ trợ giải quyết.
Tương tự, cũng với dự án nhà ở của Công ty TNHH Địa ốc G.P., ngày 20/4/2011 ông Lê Văn Hùng (ngụ phường Bình An, quận 2) ký hợp đồng mua căn hộ với giá 1,2 tỷ đồng. Trong quá trình “góp vốn”, ông Hùng đã thực hiện đầy đủ và đúng các mục trong điều khoản hợp đồng, trong khi đó NĐT liên tục vi phạm hợp đồng cũng như cam kết về thời gian bàn giao căn hộ.
Ông Hùng bức xúc: “Từ ngày 25/12/2012 đến nay, tôi không nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ CĐT. Tôi cũng đã nhiều lần đến công ty và lần gần đây nhất là ngày 6/8 nhưng lần nào cũng không có người có trách nhiệm giải quyết. Tôi rất bức xúc về thái độ bất lịch sự và xem thường khách hàng của CĐT”. Theo yêu cầu của ông Hùng, CĐT phải thanh lý hợp đồng mua bán căn hộ, đồng thời công ty phải trả lại nợ, tiền phạt, với thời hạn trong vòng 15 ngày như trong hợp đồng đã ký.
Còn với trường hợp của ông Lý Trần Chiến thì năm 2010 ông ký hợp đồng mua căn hộ chung cư N. L. (quận 7), thời hạn giao căn hộ là 30/9/2011. Tuy nhiên, CĐT không giao căn hộ đúng thời hạn như cam kết do… đang gặp khó khăn. Đầu năm 2013, sau khi thương lượng, ông Chiến chấp nhận đổi sang căn hộ khác (có giá trị thấp hơn căn hộ ông đã ký hợp đồng mua trước đó) cùng toàn bộ đồ gỗ và trang trí nội thất với trị giá 500 triệu đồng.
Thế nhưng, đến tháng 7/2013, CĐT thay đổi ý định và đưa ra giải pháp là trả lại số tiền ông Chiến đã đóng là gần 2,4 tỷ đồng và tiền lãi là 300 triệu đồng. Ông Chiến cho rằng, “điều này cực kỳ vô lý vì số tiền đó không đủ lãi suất ngân hàng”.
Những trường hợp trên cho thấy, các khách hàng “góp vốn” mua căn hộ của các dự án khi có tranh chấp xảy ra thì khách hàng luôn là người bị thiệt hại. Điều 39 Luật Nhà ở quy định: “CĐT huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà thì chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã được xây dựng xong phần móng…”. Vì vậy, khi quyết định ký hợp đồng “góp vốn đầu tư”, NTD cần thận trọng, xem xét kỹ tính khả thi của dự án, uy tín của CĐT để tránh gặp phải “công ty lừa” hay “dự án ma”