Mất đồ ở sân bay: 215 vụ/năm “chưa phải lớn”?

Kiều Linh |

215 vụ việc hành khách phản ánh va li bị bẻ khóa, lục lọi và mất đồ ở sân bay nhưng đại diện của Cục Hàng không Việt Nam cho rằng số lượng báo mất như vậy "chưa phải lớn".

Mất đồ tại sân bay tăng gấp chục lần

Gần đây, hành khách liên tiếp tố cáo bị mất hành lý ký gửi khi đi máy bay. Đó là những món đồ có giá trị cao như đá thạch anh, điện thoại thông minh, laptop, máy tính bảng...

Tuy nhiên, chỉ có một vài trường hợp mất đồ của khách hàng được các hãng hàng không giải quyết và “bồi thường”. Chính điều này khiến không ít người tỏ ra bức xúc.

Theo thống kê của Cảng hàng không Việt Nam, kết thúc năm 2014, có khoảng 215 vụ việc liên quan đến trộm cắp hành lý xách tay, hành lý ký gửi, tài sản của hành khách bị mất.

Con số này cao gấp cả chục lần so với năm 2013. Trong đó, hãng hàng không VietJet Air chiếm tỷ lệ nhiều nhất, với tổng số vụ việc là 194.

Nguyên nhân chính được Phó trưởng phòng An ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, ông Tô Tử Hùng cho rằng do số lượng vận chuyển, người dân đi lại nhiều nên số lượng vụ việc hành khách tố mất hành lý cũng tăng theo.

"Tính đến 31/12/2014, có khoảng 55 triệu lượt khách gồm quốc tế và nội địa đi qua các sân bay ở Việt Nam thì số lượng hành khách mất đồ theo báo cáo không đầy đủ có thể nói chưa phải lớn.

Tuy nhiên, ngành Hàng không dân dụng vẫn coi đây là vấn đề quan trọng cần đựơc giải quyết. 

Bằng chứng là các cam kết của các cấp từ Bộ GTVT đến Cục Hàng không Việt Nam và các doanh nghiệp vận tải sẽ kiên quyết cùng nhau vào cuộc để loại bỏ hiện tượng này ra khỏi nội bộ ngành Hàng không dân dụng.

Tại mỗi sân bay đều có hệ thống giám sát camera nhằm đảm bảo quá trình vận chuyển hành lý không bị ai đó can thiệp, bỏ vật cấm vào hoặc tìm cách thay đổi nội dung, xáo trộn, trộm cắp đồ vật.

Tuy nhiên, việc hành khách tố cáo mất đồ, mất kiện hàng hóa vẫn xảy ra trên tất cả chuyến bay quốc tế và nội địa.

Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra nguyên nhân mất đồ của hành khách.

Nếu phát hiện ra người vi phạm thì sẽ trừng phạt, xử lý theo đúng quy định trong ngành hàng không", ông Hùng nhấn mạnh.

Trách nhiệm chính thuộc về hãng hàng không

Theo quy trình vận chuyển hành lý ký gửi, khi khách đến sân bay, đầu tiên là phải mang hành lý ký gửi đến quầy "check in".

Nhân viên hãng hàng không (trong trường hợp thiếu nhân viên hãng hàng không sẽ thuê công ty phục vụ mặt đất) tiếp nhận hành lý.

Sau đó, hành lý của hành khách được đưa qua máy soi chiếu an ninh rồi chuyển ra khâu bốc xếp để vận chuyển lên máy bay.

Khi máy bay hạ cánh, hành lý được chuyển từ máy bay ra xe chở vào khu vực băng chuyền để trả lại cho hành khách. Những công đoạn này hoàn toàn do nhân viên sân bay phụ trách.

Ông Tô Tử Hùng khẳng định: "Trong tất cả các quy trình trên, hầu hết đều được camera ghi lại.

Còn công đoạn vận chuyển hành lý từ nhà ga vào máy bay và ngược lại và lúc hành lý ở trên máy bay đều có người giám sát chặt chẽ".

Quá trình vận chuyển hành lý đều được giám sát chặt chẽ (hình minh họa)

Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là với một quy trình khép kín như vậy, qua hàng trăm camera giám sát thì tại sao hành lý vẫn “biến mất” một cách bí ẩn? Ai là người “trộm cắp” hành lý của hành khách và trách nhiệm này thuộc về đơn vị nào?

Theo lời giải thích của các hãng hàng không, quá trình vận chuyển hành lý ký gửi là một dây chuyền do nhiều đơn vị tại sân bay đảm nhận.

Vì vậy, hãng hàng không trực tiếp thực hiện nên việc xác minh hành lý bất thường phải qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian và khó quy trách nhiệm.

Đại diễn hãng hàng không VietJet Air cho rằng: “Khi có các sự cố về mất mát về đồ đạc quý giá xảy ra thì hãng vận chuyển luôn gửi yêu cầu công ty phục vụ mặt đất điều tra và trả lời, sau đó chuyển đến khách hàng.

Tại sao hãng vận chuyển lại khuyến cáo không để đồ quý giá trong hành lý ký gửi? Vì họ muốn miễn trừ trách nhiệm".

Song, ông Tô Tử Hùng lại cho rằng hãng hàng không thuê công ty mặt đất vận chuyển hành lý thì trách nhiệm chính đầu tiên vẫn thuộc về hãng hàng không.

“Trách nhiệm đầu tiên là của hãng hàng không, hãng phải trả lời, phải đốc thúc, giám sát các trường hợp bị mất và bồi thường thiệt hại.

Ví dụ như khi bạn gửi xe máy, mất xe thì phải nói với người giữ xe chứ không phải đi báo công an luôn, nếu người giữ xe không chịu trách nhiệm thì bạn mới tố cáo đến công an”, ông Hùng nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm An ninh hàng không, Cảng hàng không Nội Bài cũng cho rằng:

"Trách nhiệm thuộc về ngành hàng không, xác định ai như thế nào thì chúng ta phải làm rõ. Đối với mất cắp hành lý chỉ có nội bộ, trong đó có trách nhiệm của an ninh hàng không.

Nếu lấy được thì phải mang ra đồng thời ‘tuồn’ bằng đường nào và tại sao vẫn để ‘lọt’".

Trong khi đó, ông Đinh Việt Sơn, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc, khẳng định trên tờ Tuổi trẻ:

"Tình trạng mất cắp chỉ xảy ra trên máy bay, trong khu vực xử lý hàng hoá, trong khu vực hạn chế của nhà ga, khu bay và chắc chắn có sự tiếp tay của nội bộ.

Hàng ăn cắp có thể đi ra theo xe xăng dầu, xe phục vụ mặt đất, xe chở suất ăn. Các đối tượng có thể đưa hàng ra từ khu bay và khu vực hạn chế là do có móc nối”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
Đinh La Thăng
Ngay từ cuối năm ngoái, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo và báo cáo đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề nghị lập chuyên án để điều tra, làm rõ. Đồng thời, yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam ban hành thông tư quy định về quyền hạn, trách nhiệm của nhân viên ở các bộ phận làm nhiệm vụ liên quan đến hành lý, hàng hóa tại sân bay. Cùng với đó, lắp thêm hệ thống camera, nhất là ở các góc khuất... để tiến hành giám sát. Tuy nhiên, vừa qua, vẫn xảy ra một số vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân từ phía đi hay phía đến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại