Mạng 5G sẽ được thương mại hóa vào năm 2020

Nam Phong |

Đây là nhận định của ông Thiều Phương Nam – Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương về tiềm năng của thị trường 5G trong những năm tới.

Ông Thiều Phương Nam cho rằng, với 5G, các nhà mạng có thể cung cấp những dịch vụ mới và giúp người dùng có nhiều trải nghiệm vượt trội so với thế hệ mạng 3G hay 4G hiện nay.

Cụ thể, mạng 5G sẽ phát triển rất đa dạng và phục vụ nhiều loại hình kết nối để đáp ứng những đòi hỏi lớn hơn của người dùng như xem video độ phân giải siêu cao trên các thiết bị di động.

Những khái niệm về trạm phát sóng (base station) sẽ không còn khi các thiết bị có thể kết nối với nhau ở mọi vị trí. Nhiều loại hình kết nối như wi-fi và các kết nối không dây khác sẽ được hợp nhất trong nền tảng chung của mạng 5G.

Ông Thiều Phương Nam cho biết thêm, hiện tại, việc phát triển mạng 5G đang ở trong giai đoạn quy chuẩn trước khi được thương mại hóa.

Trong năm 2015, Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) đã tổ chức nhiều cuộc họp để các quốc gia sẽ thống nhất với nhau về một chuẩn chung đối với mạng 5G.

Theo kế hoạch, đến năm 2017, các tổ chức viễn thông trên thế giới sẽ thống nhất với nhau về chuẩn 5G bao gồm như chuẩn về tốc độ, thiết bị đầu cuối, thiết bị hạ tầng…

Các quy chuẩn này sẽ được áp dụng đối với mọi thị trường trên toàn cầu.

Cũng theo Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương, dự kiến, mạng 5G sẽ được thương mại hóa vào năm 2020 tại một số quốc gia và sẽ có tên chính thức là IMT- 2020 bên cạnh tương tự như mạng 3G (IMT- 2000) và mạng 4G (IMT-Advanced) trước đó.

2016 sẽ là năm của 4G

Ông Thiều Phương Nam cũng nhận định, trong tương lai, 4G LTE sẽ đóng vai trò xúc tác cho những đợt tăng trưởng bằng việc làm nền tảng cho các dịch vụ mới mang lại lợi ích cho hệ sinh thái di động cũng như người tiêu dùng.

Năm 2016 là thời điểm phù hợp để Việt Nam tiến lên 4G do hệ sinh thái 4G đã tương đối hoàn thiện, thiết bị đầu cuối 4G giá ngày càng rẻ.

Trước đó, Bộ TT&TT cho biết năm 2016 sẽ cấp phép 4G cho các doanh nghiệp.

Theo Cục Viễn thông, hiện chỉ có 3 nhà mạng là Vinaphone, Mobifone và Viettel xin thử nghiệm 4G và bộ cho phép doanh nghiệp thử nghiệm ở băng tần 1800MHz, 2300MHz và 2600MHz.

Theo lý thuyết, nhiều chuyên gia cho rằng, khi số lượng thuê bao đạt khoảng 10 – 15% thì công nghệ được xem là có khả năng trở thành phổ biến. Tuy nhiên, tỷ lệ càng tăng cao thì tính đảo ngược càng lớn.

Do vậy, ông Mai Liêm Trực – nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT (nay là Bộ TT& TT) cho rằng, nếu các doanh nghiệp có nhu cầu thử nghiệm và triển khai sớm mạng 4G thì Bộ TT&TT nên cấp phép bởi vì điều này phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp, không nên đợi 3G hoàn vốn xong rồi mới cấp phép 4G.

Nếu chúng ta cứ ngồi chờ các nước khác triển khai hết để lấy kinh nghiệm thì mạng 5G tới sẽ ra sao? Việc triển khai 4G sớm sẽ có lợi cho người dùng, cho thị trường và các DN cũng chủ động.

Nhận thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ứng dụng di động cũng như tầm quan trọng của mạng 3G/4G trong các ngành công nghiệp địa phương, Chính phủ cũng đã có những nỗ lực đáng kể và đã hoàn tất quá trình sắp xếp băng tần 1800MHz cho 4G, mở ra cơ hội cho các nhà mạng Việt Nam tiến đến cung cấp dịch vụ LTE.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại