Loạt dự án dầu khí tỷ đô dọc miền Trung

Tiếp sau Dung Quất, dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn 9 tỷ USD, dự án tại Vũng Rô hơn 3 tỷ USD, siêu dự án tại Bình Định 27 tỷ USD rục rịch tăng nhiệt trên dải đất miền Trung...

Hôm nay (23/10), Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), vốn đầu tư 9 tỷ USD, chính thức được khởi công xây dựng - một sự tiếp nối sau Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), thúc đẩy công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam phát triển.

Không phải là dự án lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam, song quy mô lên tới 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn/năm của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn khiến dư luận kỳ vọng, nếu được triển khai thành công, Dự án sẽ tạo ra một bước tiến quan trọng đối với công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam.

Chưa nói tới các tác động về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội hay giải quyết việc làm, việc Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2017, với các sản phẩm khí hóa lỏng (32.000 tấn/năm), xăng RON 92 (1.131.000 tấn/năm), xăng RON 95 (1.131.000 tấn/năm)…, được ông Kazutoshi Shimura, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, khẳng định rằng, sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam từng bước tiến tới tự cung, tự cấp các sản phẩm lọc dầu, đảm bảo nguồn cung năng lượng.

“Dự án của chúng tôi sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt đối với các sản phẩm dầu mỏ”, ông Shimura nói.

Sức đóng góp của Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ lớn hơn nữa, khi theo dự kiến, Dự án sẽ nâng công suất từ 10 triệu tấn/năm hiện nay lên 20 triệu tấn/năm vào năm 2020.

Loat du an dau khi ty do doc mien Trung
 

Cùng với một Lọc dầu Dung Quất đang vận hành tốt, đạt doanh thu hơn 112.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 2.300 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, và một Lọc hóa dầu Nghi Sơn hôm nay được khởi công, những động thái gần đây cũng cho thấy, mối quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực lọc hóa dầu Việt Nam.

Diễn biến mới nhất, là đầu tháng 10 này, UBND tỉnh Phú Yên đã trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô, để nâng vốn đầu tư Dự án lên gần 3,18 tỷ USD. Cũng tại buổi lễ, Công ty Dầu khí Vũng Rô đã công bố chọn Tập đoàn JGC làm nhà thầu EPC.

Theo kế hoạch, Dự án có công suất 8 triệu tấn/năm này sẽ sớm được khởi công xây dựng, để sau 42 tháng nữa, kể từ lúc xong phần thiết kế (6 tháng), Lọc dầu Vũng Rô sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên.

Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và cùng với nhà đầu tư gấp rút hoàn tất các công việc còn lại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai khởi công dự án”, ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cam kết.

Trong khi đó, trung tuần tháng 8/2013, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký biên bản thỏa thuận về việc bàn giao 400 ha đất cho chủ đầu tư Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn. Dự án có vốn đầu tư dự kiến khoảng 4,5 tỷ USD này, tuy chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng với thông tin từ Tập đoàn SCG (Thái Lan), nhiều khả năng, phần thủ tục này sẽ được hoàn tất sớm để kịp kế hoạch khởi công xây dựng đã được dự kiến trong năm 2014 và có sản phẩm đầu tiên vào năm 2018. Ở Lọc dầu Long Sơn, ngoài SCG, còn có sự tham gia của Tập đoàn Qatar Petroleum, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) mới đây cũng đã bày tỏ mối quan tâm tới dự án này.

Không thể không nhắc tới siêu dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD ở Bình Định của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan - PTT và các đối tác của mình. Quy mô quá lớn của dự án này khiến có không ít ý kiến quan ngại về tính khả thi của nó. Cũng tương tự như vậy, là mối lo về một tương lai mà Việt Nam có quá nhiều dự án lọc hóa dầu, bởi ngoài các dự án vừa kể trên, còn có Lọc dầu Cần Thơ (Cần Thơ), vốn đầu tư 538 triệu USD, nhiều năm rồi chưa triển khai, hay kế hoạch đầu tư một dự án lọc hóa dầu ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) của Tập đoàn Formosa (Đài Loan), vốn đầu tư lên tới hơn 12 tỷ USD. Không chỉ là dư thừa nguồn cung, mà các vấn đề liên quan tới môi trường cũng rất đáng phải quan tâm.

Mặc dù vậy, nếu chỉ xét trên khía cạnh đầu tư, sự xuất hiện lần lượt các dự án quy mô lớn đang khẳng định sức hấp dẫn của Việt Nam trong lĩnh vực này. “Không chỉ là thu hút đầu tư riêng lĩnh vực lọc hóa dầu, khi các dự án đi vào hoạt động, sẽ tạo động lực to lớn cũng như cơ hội để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, như sản xuất hóa chất, hạt nhựa và cơ khí chế tạo...”, ông Trần Hòa, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) nhận định.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại