Sở dĩ phải dùng từ cơ bản là bởi, giá trị chính xác của công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố như là một trong những dữ liệu quan trọng bậc nhất để xây dựng phương án cổ phần hóa.
Đầu tuần trước, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính xin ý kiến về việc phê duyệt giá trị Vietnam Airlines trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông - Vận tải.
“Hai bộ này sẽ phải cho ý kiến về giá trị của Vietnam Airlines trước ngày 25/3 để Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Thủ tướng quyết định”, ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết.
Cần phải nói thêm rằng, thông tin về giá trị của công ty mẹ - Vietnam Airlines, bao gồm cả giá trị phần vốn nhà nước sau khi định giá đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Các cổ đông nước ngoài mà chúng tôi tiếp xúc đang chờ kết quả xác định giá trị doanh nghiệp trước khi quyết định có trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines hay không”, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines cho biết tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 2014-2015.
Trước đó (đầu tháng 3/2014), Bộ Giao thông - Vận tải đã có tờ trình báo cáo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp sau điều chỉnh theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và phương án công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa công ty mẹ - Vietnam Airlines.
Được biết, để phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp, Vietnam Airlines kiến nghị chốt phương án công bố giá trị của công ty mẹ - Vietnam Airlines theo giá trị sổ sách kế toán và giá trị định giá lại.
Theo giá trị sổ sách kế toán sau xử lý tài chính tại thời điểm 31/3/2013, Vietnam Airlines có trị giá 57.156 tỷ đồng, tương đương 2,744 tỷ USD; trong đó giá trị tại phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 10.567 tỷ đồng, tương đương 0,507 tỷ USD.
Nếu tính theo kết quả định giá, Hãng Hàng không quốc gia sẽ có giá trị khoảng 57.047 tỷ đồng, tương đương 2,739 tỷ USD, trong đó giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 23.493 tỷ đồng, tương đương 1,128 tỷ USD.
Liên quan tới việc định giá đội tàu bay của Hãng bao gồm tàu bay sở hữu và thuê tài chính với các máy bay Boeing 777 - 200ER, Airbus 321- 200, ATR72, Fokker70, Công ty cổ phần Định giá và dịch vụ tài chính đánh giá, khối tài sản này có giá trị khoảng 53.000 tỷ đồng (nguyên giá) và 37.600 tỷ đồng (giá trị còn lại) tại thời điểm 31/3/2013.
“Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị Chính phủ cho phép Vietnam Airlines được sử dụng kết quả xác định giá trị doanh nghiệp công ty mẹ làm cơ sở xác định giá bán cổ phần lần đầu và để đàm phán với các cổ đông chiến lược trong và ngoài nước”, Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với việc cơ bản “đong/đếm” xong giá trị, Vietnam Airlines đã giành quyền kiểm soát tiến độ cổ phần hóa dự kiến kết thúc vào cuối năm 2014.
Chưa rõ cơ cấu vốn điều lệ của Vietnam Airlines có thay đổi không, nếu so với phương án đưa ra vào giữa năm 2012 với việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư theo hình thức phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, tỷ lệ vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa là 70 - 80%.
Hiện Hãng đang kiên trì theo đuổi chốt lộ trình cổ phần hóa công ty mẹ đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Hãng sẽ hoàn thiện phương án cổ phần hóa và cơ cấu vốn điều lệ trong vòng 1 tháng sau thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp; hoàn thành việc IPO trong nước và bán cổ phần ưu đãi cho người lao động trong vòng 3 tháng sau khi phương án cổ phần hóa được phê duyệt; xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, hoàn thành xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ công tác bán chiến lược, tiến hành bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trong 6 tháng cuối năm 2014.
“Vietnam Airlines sẽ thực hiện song song hai mục tiêu chuẩn bị tốt nhất cho công tác cổ phần hóa gắn với tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhằm tạo đà cho IPO”, ông Thanh cho biết.