Theo quyết định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ 26.3 mức lãi suất (LS) cho vay kỳ hạn ngắn đối với các doanh nghiệp (DN) trong 5 lĩnh vực ưu tiên có trần 11%/năm.
Đối với vốn lưu động, hay phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư thuộc lĩnh vực khác, các ngân hàng (NH) áp LS cho vay dao động từ 12 - 15%/năm. Đó là chưa kể hiện nay vẫn còn khoảng gần 20% tổng dư nợ toàn hệ thống có mức lãi vay cũ trên 15%/năm.
Riêng đối với vay cá nhân tiêu dùng mua nhà, mua xe không thuộc đối tượng ưu đãi, LS cho vay theo nhiều người ít “có cửa” dưới 15%/năm.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của NH nhân dân Trung Quốc, hiện nay LS cho vay của các NH thương mại nước này đang dao động 5 - 6,5%/năm, tùy vào khoản vay ngắn hạn hay dài hạn.
Các NH thương mại của Thái Lan cũng đang áp LS cho các DN vay thấp hơn VN rất nhiều: NH Bangkok 7,3 - 8%/năm; HSBC, Deutsche Bank AG tại Thái Lan áp LS 8,25%/năm. Tương tự, kể từ hơn 1 năm trở lại đây, NH T.Ư Indonesia (BI) kiên trì giữ mức LS cố định ở mức chỉ 5,75%/năm, còn LS cho vay của các NH tại quốc gia này, kể cả cho khách hàng DN và cá nhân dao động ở mức 7%/năm.
Không chỉ mức LS cao vượt trội, tần suất điều chỉnh LS của VN cũng đứng "đầu bảng", điều này khiến DN khó hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh. Từ 2008 đến nay, Trung Quốc chỉ vài lần điều chỉnh LS tiền gửi và cho vay cơ bản để giữ LS cho vay xoay quanh mức 5 - 7%/năm, thì VN có vài chục lần tăng, giảm.
Đó là chưa kể, các quốc gia bên cạnh đang có một bộ khung LS tiền gửi - cho vay theo mức trần - sàn khá chặt chẽ, hay LS cơ bản hợp lý để giữ biên độ chênh lệch giữa đầu vào - đầu ra dao động quanh mức 2,5-3%/năm, thì chênh lệch này ở VN lên tới 5-8%/năm.
Bị lãi suất "cột" chân
Là người có nhiều năm kinh nghiệm theo dõi các thị trường tài chính quốc tế, TS Bùi Kiến Thành cho biết hiện LS chiết khấu của chính phủ Mỹ chỉ 0,1 - 0,25%, Nhật Bản 0% - 0,1%, các nước khác cũng ở mức rất thấp.
Mỹ xác lập LS chiết khấu rất hợp lý để cho DN vay dài hạn chỉ ở mức 5%/năm; Nhật Bản còn thấp hơn nữa, chỉ 1-2%/năm. Như vậy, so với các quốc gia cùng khu vực, hiện nay LS cho vay của VN cao gấp 1,5 - 2 lần; còn so với các quốc gia châu Âu, châu Á phát triển khác mức LS cho vay gấp 3-4 lần.
Nguyên nhân đầu tiên mà TS Thành chỉ ra là VN đã trải qua giai đoạn tăng trưởng quá nóng, với mức cung tín dụng hằng năm tăng bình quân tới vài chục phần trăm, đẩy lạm phát tăng cao, dẫn tới LS liên tục leo thang không ngừng nghỉ. Nhưng lý do lớn khác là các NH thương mại hoạt động thiếu hiệu quả, bộ máy cồng kềnh, chi phí cao, nên phải “đè” DN ra để thu phí, LS cao bù lỗ, tăng lợi nhuận.
Hậu quả là các DN trong nước không đủ khả năng cạnh tranh với DN trong khu vực khi phải “đá” trong cùng một sân Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hàng hóa xuất khẩu phải đội chi phí vốn lớn vì LS vay quá cao, khiến giá thành sản phẩm cao, không chiếm lĩnh được thị trường.
“Tôi dám khẳng định, không có bất kỳ DN nào trên thế giới có thể hoạt động với LS cao như tại VN được. Mình hội nhập mà cột chân DN lại bằng LS thì làm sao mà họ tự bơi được”, TS Thành chia sẻ.
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ, cũng cho rằng LS VN như hiện nay DN khó có thể chịu đựng. Khi đó, với giá vốn rẻ, hàng hóa các quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc sẽ có giá thành sản xuất thấp hơn, dễ dàng loại bỏ VN khỏi các thị trường cạnh tranh truyền thống và thậm chí ngay cả trong nước.
Vì vậy, điều cốt tử là cần tiếp tục giảm LS cho vay xuống thấp hơn nữa, song hành các biện pháp xử lý hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu một cách đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN.