Báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam của khối nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng (NH) Standard Chartered mới đây nhận định: Xu hướng thiên về tăng trưởng trong điều kiện lạm phát đang còn yếu sẽ là cơ hội để NH Nhà nước tiếp tục nới lỏng tiền tệ, cắt giảm lãi suất thời gian tới.
Nhiều tổ chức tài chính cũng cho rằng lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2013 là cơ hội để cắt giảm lãi suất thêm 0,5%/năm.
Đủ điều kiện giảm thêm lãi suất
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2013 chỉ tăng 0,02% so với tháng trước, chủ yếu do ảnh hưởng của nhóm thuốc và dịch vụ y tế, giao thông. Tính chung 4 tháng đầu năm, CPI tăng 2,41% so với cuối năm ngoái - là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 4 năm qua và tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2012.
Lạm phát tiếp tục được kiểm soát trong mức 6% - 7% theo mục tiêu Chính phủ đề ra trong năm nay sẽ là cơ hội để hạ lãi suất huy động, góp phần kéo giảm lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và tăng trưởng kinh tế…
NH Standard Chartered phân tích: NH Nhà nước khẳng định quan điểm thúc đẩy tăng trưởng bằng các giải pháp tín dụng và lãi suất linh hoạt nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm, triển vọng lạm phát thấp cho phép NH Nhà nước nới lỏng các giải pháp này mạnh tay hơn nữa. Do đó, một đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo trong quý II có thể xảy ra.
“Nhưng đợt cắt giảm lãi suất này chỉ ở mức 0,5% do NH Nhà nước đã hạ 7% lãi suất kể từ tháng 3-2012. Nguy cơ về lạm phát thời gian tới cũng hạn chế dư địa hạ lãi suất bởi nếu lãi suất giảm quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến sự tín nhiệm đối với NH Nhà nước” - Standard Chartered nhận xét.
Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tình hình kinh tế Việt Nam cho thấy cầu trong nước yếu kéo tăng trưởng GDP thực giảm xuống còn 5,25% trong năm ngoái, thay vì mức 6,25% của năm 2011. Dù lạm phát giảm nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao đã hạn chế không gian cho việc giảm mạnh lãi suất.
Nhiều công ty chứng khoán nhận định lãi suất huy động sẽ ổn định trong quý II và có thể giảm xuống 7%/năm nếu lạm phát được duy trì ở mức thấp, 6% - 7%/năm.
Có thể xem xét áp trần lãi suất cho vay
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng NH Nhà nước chỉ nên điều chỉnh lãi suất huy động giảm thêm 0,5%/năm, về mức 7%/năm chứ không nên quá mạnh tay hạ lãi suất. Hiện lạm phát đã giảm nhưng vẫn có khả năng quay trở lại do những biến động khó đoán của thị trường xăng dầu, biến động tỉ giá, thị trường tài chính…
“Không gian điều chỉnh lãi suất cho NH Nhà nước không còn quá lớn, nếu hạ lãi suất quá sâu thì khi lạm phát bùng lên sẽ làm lãi suất thực âm. Nhiều người xem lãi suất là nguồn thu nhập của họ nên nếu lãi suất thực âm, nguy cơ tiền gửi sẽ chảy vào các kênh khác như vàng, ngoại tệ là rất nguy hiểm” - TS Lê Đăng Doanh phân tích.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 4-2013, Chính phủ nhận định tuy kinh tế vĩ mô có bước chuyển biến tích cực nhưng không được chủ quan, cần tập trung kiềm chế lạm phát, kiểm soát cung tiền (M2), bảo đảm kế hoạch tăng trưởng tín dụng và rải đều ra các tháng còn lại trong năm.
Điều hành lãi suất cần mạnh mẽ hơn để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Nếu cần, sẽ xem xét quy định trần lãi suất cho vay có mức chênh lệch hợp lý so với lãi suất huy động và tăng cường kiểm tra việc thực hiện.
Một nghịch lý tồn tại suốt thời gian qua là trong khi huy động đầu vào bị khống chế bởi trần lãi suất, đầu ra lãi suất đối với các doanh nghiệp (DN) lại thả nổi. Điều này khiến nhiều DN phải vay với lãi suất “cắt cổ” 15% - 18%/năm, trong khi trần huy động hiện chỉ 7,5%/năm.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hạ lãi suất huy động nhằm kéo giảm lãi suất cho vay chỉ là một điều kiện. Quan trọng là các NH cần tiết giảm chi phí, kéo giảm chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay, thay vì chỉ “chăm chăm” hạ lãi suất huy động làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền và có thể tác động đến dòng tiền chảy vào hệ thống NH.
Cân nhắc việc bơm vốn vào doanh nghiệp Nhà nước
Nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã tới đáy và đang hồi phục. Theo TS Lê Đăng Doanh, nếu việc cải cách được tiến hành mạnh mẽ đối với các DN Nhà nước, khu vực đầu tư công có thể khơi dậy tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.
Ngược lại, nếu tiếp tục bơm quá nhiều vốn vào đầu tư công, DN Nhà nước nhưng khu vực này hoạt động kém hiệu quả sẽ không đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế.
Thời gian qua, DN tư nhân “chết như rạ” nhưng DN Nhà nước không việc gì, không hẳn do DN Nhà nước mạnh mà phải có vấn đề gì đó về cơ chế cần được làm rõ.