2012 – Điều chỉnh giảm lãi suất với tần suất dày đặc
Có thể thấy, trong năm 2012, c ác loại lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng) được điều chỉnh với tần suất dày đặc hơn, mặc dù suốt 25 tháng qua, NHNN giữ nguyên lãi suất cơ bản 9% /năm. Và cũng trong năm qua, 5 lần liên tiếp trần lãi suất tiền gửi VNĐ giảm, từ mốc 14% vào đầu năm.
NHNN cũng lý giải các quyết định hạ lãi suất trên được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, theo chủ trương của Chính phủ. Cơ quan này thừa nhận tình hình doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, do sức mua của thị trường vẫn ở mức thấp, hàng tồn kho ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng hạn chế. Việc giá tiêu dùng được kiềm chế ở mức thấp cũng là điều kiện để lãi suất tiếp tục giảm.
Cụ thể, ngay từ đầu năm NHNN đã định hướng điều hành lãi suất theo hướng giảm xuống còn 9-10%/năm vào cuối năm, đồng thời đưa ra lộ trình giảm trung bình mỗi quý 1%/năm. Tuy nhiên, trước xu hướng giảm nhanh của lạm phát và diễn biến thuận lợi của thị trường tiền tệ, tỷ giá, ngoại hối, NHNN đã giảm lãi suất nhanh hơn dự kiến.
Trên cơ sở kỳ vọng lạm phát năm 2012 ở mức 7-8%, thì đến đầu tháng 7, NHNN đã điều chỉnh giảm 5%/năm các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi bằng VND đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng, đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cho phép TCTD ấn định lãi suất trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 04 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa) và điều chỉnh giảm phù hợp với lãi suất tiền gửi xuống còn 13%/năm. Ngoài ra, để chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ dân, NHNN đã đề nghị các TCTD điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản cho vay cũ về mức tối đa là 15%/năm.
Theo đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi phổ biến ở mức khoảng 9%/năm, lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-12%/năm, cho vay lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác và tiêu dùng ở mức 12-15%/năm, trong đó lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt chỉ từ 9-11%.
Trên cơ sở đánh giá lạm phát cả năm 2012 được kiểm soát ở mức dưới 7% (thực tế là 6,81%), thì từ ngày 24/12/2012, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm thêm 1%/năm các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi bằng VND (hiện còn 8%/năm áp dụng với kỳ hạn từ 1-12 tháng) và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND (còn 12%/năm), đồng thời bổ sung thêm đối tượng ưu tiên là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo đó, mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm khoảng 0,5-1%/năm. Như vậy trong năm 2012, NHNN đã 5 lần liên tiếp điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi VNĐ, từ mốc 14% vào đầu năm.
2013 – Tiếp tục điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu
Năm 2013, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đ iều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát thấp hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó, điều hành lãi suất của NHNN phải phù hợp với diễn biến lạm phát, các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá.
Theo đại diện NHNN, năm 2013 có giảm được lãi suất hay không phụ thuộc vào xu hướng diễn biến của lạm phát; trường hợp lạm phát cả năm có khả năng được kiểm soát theo đúng mục tiêu đặt ra (khoảng 6%) thì có thể tính đến việc điều chỉnh giảm lãi suất.
Trong khi đó, lạm phát trong năm 2013 phụ thuộc nhiều vào diễn biến khó dự báo của giá lương thực - thực phẩm, lạm phát lõi và ảnh hưởng trễ của chính sách nới lỏng trong năm 2012. Do vậy, lạm phát cao có thể trở lại vào năm 2013, khiến mục tiêu lạm phát dưới 6% của Chính phủ trở nên mong manh. Bên cạnh đó, tăng giá điện cuối tháng 12-2012 và sự điều chỉnh tiền lương tối thiểu vào giữa năm 2013 chắc chắn đóng góp vào mức tăng giá trong năm 2013.
Theo nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - ĐH Quốc gia Hà Nội, nhiều khả năng năm nay Chính phủ không thể đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 6%. Lạm phát năm 2013 sẽ cao hơn năm 2012 và hướng đến mức 10%.
Điều này đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2013 là làm thế nào để cân bằng giữa giữ ổn định lạm phát và tiếp tục hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Do đó, việc điều hành chính sách vẫn luôn phải thận trọng, linh hoạt; lộ trình giảm lãi suất đi đôi với tính toán điều kiện tự do hóa lãi suất, diễn biến tỷ giá, lãi suất tiền gửi USD; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các giải pháp chính sách vĩ mô khác để vừa kiểm soát được lạm phát mà lại có thể hỗ trợ cho tăng trưởng.