Tại cuộc họp báo cuối tuần trước, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, từ 13.5, lãi suất cho vay ngắn hạn VND sẽ giảm từ 11%/năm xuống 10%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: Nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời lãi suất cho vay các khoản vay cũ sẽ được kéo về mức tối đa 13%/năm. Trước đó, theo xác nhận của đại diện Ngân hàng Nhà nước, đến nay vẫn còn khoảng 14% dư nợ có lãi suất trên 15%/năm, chủ yếu là các khoản vay trung và dài hạn trong 2 năm 2011, 2012.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội cho biết, hiện tại chỉ những doanh nghiệp lớn làm ăn hiệu quả, trả nợ tốt thì việc giảm lãi suất các khoản vay cũ mới khả thi. Trong khi nhóm khách hàng khác có độ rủi ro cao, ngân hàng vẫn phải duy trì lãi suất trên 15% vì nhiều lý do khác nhau.
Vị giám đốc này phân tích, việc thực hiện hạ lãi vay còn liên quan đến nhiều vấn đề, chẳng hạn như thời điểm quy định điều chỉnh trong hợp đồng vay, đồng thời còn liên quan đến cơ cấu nguồn vốn huy động với lãi suất cao của ngân hàng… nên chưa thể nói hạ là thực hiện được ngay lập tức.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM thì cho biết: Thời gian qua, lãi suất huy động giảm nhiều nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng. Có một số doanh nghiệp muốn vay nhưng lại không đủ điều kiện do “sức khỏe” không tốt. Nhiều doanh nghiệp cho biết, lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 10 - 12%/năm hiện nay là chấp nhận được nhưng lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn từ 15 - 16%/năm là quá cao.
Ông Lê Văn An - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi cho rằng: Lãi suất đã hạ như hiện nay vẫn là cao, và quan trọng hơn là cần nới rộng các điều kiện cho vay hơn.