“Kỹ nghệ” ép trái cây chín nhanh

thanhthao |

Để mít, sầu riêng chín nhanh, người ta bơm hóa chất vào cuống. Xoài, chuối thì ngâm quả vào dung dịch đã hòa với nước...

Những năm trước, các loại trái cây thường được ủ chín bằng phương pháp thủ công như ủ bằng rơm, lúa… Cách làm này nay đã dần đi vào “quên lãng”, thay vào đó người ta sử dụng một loại hóa chất đang bán trôi nổi trên thị trường.

Chín vàng sau một đêm

Chúng tôi đã có cuộc đi thực tế ở thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh, là vùng trồng mít nhiều nhất tỉnh. Qua thăm dò được biết ở thị trấn Đức Tài có một cửa hàng vật tư nông nghiệp bán kèm hóa chất này nhưng không phải ai cũng mua được, chỉ có người quen thường mua thì chủ cửa hàng mới bán.

Tuy chưa đến vụ mít nhưng anh T., người mà chúng tôi nhờ mua dùm - đến cửa hàng này mua chai hóa chất ủ trái cây chín vàng không gặp trở ngại gì vì lúc nào cửa hàng cũng có.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chai hóa chất không chỉ ủ mít mà có thể sử dụng ủ đủ thứ loại trái cây như: chuối, xoài, rầu riêng, sapôchê (hồng xiêm), nho, cà phê, chôm chôm, măng cụt, bơ… Công dụng của sản phẩm này được quảng cáo là làm cho trái cây chín nhanh, chín đều, chín đồng loạt và có màu sắc đẹp hơn so với chín tự nhiên hoặc ủ theo cách thủ công.

ky-nghe-ep-trai-cay-chin-nhanh

Chai hóa chất dùng để ép trái cây chín nhanh.

Anh Đ., một người đã có nhiều năm làm nghề buôn mít ở thị trấn Đức Tài - tiết lộ, bí quyết làm cho mít, sầu riêng chín nhanh, múi mít, sầu riêng có màu vàng bóng cực bắt mắt đó là pha một lượng hóa chất này với nước ở mức độ nhất định, sau đó dùng vật nhọn đâm thủng cuống và bơm trực tiếp vào cuống mít hoặc sầu riêng. Chỉ qua ngày hôm sau trái cây sẽ chín đồng loạt 10 trái như 10.

Đối với chuối và xoài thì pha 10 - 25 ml (nếu muốn chín nhanh thì pha đậm hơn) cho 1 lít nước sau đó nhúng chuối hoặc xoài vào dung dịch đã pha với nước, khoảng 3 đến 5 phút vớt ra để khô, sau đó ủ qua đêm trái sẽ chín vàng. Đối với các loại trái cây khác cũng pha như trên nhưng phun sương cũng sẽ chín vàng tương tự.

Không người tiêu dùng nào có thể biết được trái đã “tẩm” hóa chất để trái cây chín vàng bắt mắt. Nhiều loại trái cây đang được các thương lái, chủ vựa thúc chín, làm đẹp và kéo dài “tuổi thọ” cũng bằng hóa chất này. Việc sử dụng hóa chất để ép chín và bảo quản trái cây khiến người ăn có nguy cơ ngộ độc rất cao.

Anh Đ. còn tiết lộ một loại hóa chất khác giống như viên thuốc, to bằng đồng tiền xu. Loại hóa chất này làm cho bắp chuối to hơn bình thường. Một viên hóa chất này pha với nước rồi phun trực tiếp vào bắp chuối trên cây, sau đó dùng rơm bó lại bằng túi nylon, vài ngày sau bắp chuối từ 2 kg có thể to lên 5 kg. Mỗi gói chỉ có giá 15.000 đồng nhưng phun được 10 bắp chuối. Hai loại hóa chất này hiện đang được sử dụng rất nhiều ở huyện Đức Linh.

Nhiều nông dân còn gọi hóa chất để làm bắp chuối to hơn bình thường là viên độc GA4, loại này bên dưới nhãn hiệu ProGibb T98 có một dòng chữ Gibberellic Acid 1g.96%. Tên của nhà sản xuất được ghi trên vỏ bao bì là “BIOCHEMICAL PRODUCTS”. Thành phần của thuốc được in “GA4 - A7 + 6BA”.

Những hóa chất cực độc

Loại hóa chất dùng ép trái cây chín nhanh ngoài vỏ chai ghi do Công ty TNHH sinh học HPH, ở thành phố Hồ Chí Minh sản xuất. Dung dịch trong chai có thể tích 0,5 lít, có dạng lỏng sệt, màu vàng như dầu ăn, mùi rất khó chịu. Trong thành phần của chai hóa chất này ghi là được sản xuất từ chất Ethephon (là chất dùng để kích thích mủ cao su).

Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng dùng Ethephon để kích thích cây cao su và chỉ có 12 công ty đăng ký, không có tên Công ty HPH hay Viện Sinh học nhiệt đới.

Đặc biệt, hóa chất này cũng không có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng theo Quyết định 867/BYT ngày 4/4/1998 của Bộ Y tế. Theo đó, các nghiên cứu khoa học về độc tính của Ethephon chỉ ra rằng chất này gây kích ứng mắt khiến mắt xót, đỏ. Hóa chất này còn tác động trực tiếp lên da gây ăn mòn, sưng tấy và đỏ da.

ky-nghe-ep-trai-cay-chin-nhanh

Bơm hóa chất như thế này, ngày hôm sau trái mít sẽ chín.

Theo Thông tư số 10/ 2012/TT - BNNPTNT ngày 22/2/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng ở Việt Nam thì hoàn toàn không thấy có hoạt chất GA4 trong danh mục được lưu hành.

Trong phần danh mục thuốc điều hòa sinh trưởng chỉ có hoạt chất Gibberellic acid (GA3) được phép lưu hành để kích thích sinh trưởng các loại cà phê, lúa, bông vải… Tuy nhiên, dù cho phép hoạt chất GA3 được lưu hành nhưng người sử dụng luôn được khuyến cáo sử dụng đúng liều lượng, không vượt 0,15mg/kg đối với trái cây và phải cách ly từ 5 đến 7 ngày mới được thu hoạch sản phẩm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại