"Kinh hoàng" giá cước taxi Việt Nam so với khu vực!

Bạch Dương |

“Cạnh tranh bình đẳng là liều thuốc tốt nhất cho căn bệnh neo giá cước vận tải hiện nay ở nước ta”.

Ngày 8/9, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) tổ chức Tọa đàm “Giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng”.

Tọa đàm tập trung phân tích nguyên nhân của tình trạng neo giá cước vận tải, đề xuất các biện pháp giúp giảm giá cước, nhằm mục đích hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện các công cụ chính sách đảm bảo sự lành mạnh của thị trường.

Ý kiến thống nhất của các đại biểu tham dự Tọa đàm được thể hiện qua lời kết luận của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch VINASTAS:

“Cạnh tranh bình đẳng là liều thuốc tốt nhất cho căn bệnh neo giá cước vận tải hiện nay ở nước ta”.

Người tiêu dùng đang chịu nhiều thiệt hại khi các doanh nghiệp không chịu giảm giá cước vận tải, mặc dù giá xăng dầu, một yếu tố cấu thành quan trọng trong giá cước vận tải (chiếm tới 25% - 35%) đã giảm 5 lần liên tiếp (khoảng 16,73%) trong ba tháng vừa qua.

Ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng giá cước taxi ở Việt Nam hiện nay đang cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực.

Giá cước taxi trung bình ở Bangkok là 3.800 đồng/km (6 bath), ở Manila là 5.700 đồng/km (11,93 peso), ở Jakarta là 6.300 đồng/km (4.000 Rupiah) và thậm chí là ở Singapore cũng chỉ 8.700/km (0,55 S$).

So với giá cước tại Singapore, một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, giá cước taxi tại Hà Nội (từ 11.000 - 13.900 đồng/km) đang cao hơn từ 26,4% đến 60%, ở thành phố Hồ Chí Minh (từ 14.500 - 15.500 đồng/km) đang cao hơn tới 66,7% đến 78,2%.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của VINASTAS cho biết: “Chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng đang phải chịu thiệt hại không nhỏ từ mức cước vận tải bất hợp lý và quá cao hiện nay”.

Ông Hùng lấy ví dụ, cước taxi 5 chỗ tại TP HCM, với mức giá là 14.500 – 15.500 đồng/km, xăng cấu thành khoảng 3.625 - 5.425 đồng/km (25% - 35% giá cước vận tải); khi giá xăng giảm tới 16,3% (so với trước ngày 4/7/2015) mà giá cước chưa giảm đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đã phải chịu thiệt hại khoảng 591 - 884 đồng/km.

Với hàng triệu người sử dụng dịch vụ vận tải thì số tiền thiệt hại về phía người tiêu dùng và số tiền lợi nhuận về phía người kinh doanh sẽ không hề nhỏ.

"Để đem lại công bằng giữa người sử dụng và người cung ứng dịch vụ vận tải, rõ ràng không thể phó thác cho cơ chế thị trường, thậm chí không loại trừ khả năng bắt tay làm giá giữa các nhà kinh doanh, vì vậy rất cần sự can thiệp của Nhà nước bằng các biện pháp hành chính; sự lên tiếng mạnh mẽ của công luận và người tiêu dùng, kể cả biện pháp tẩy chay những đơn vị cố tình trây ỳ", ông Hùng nhận định.

Ông Hùng đề xuất các cơ quan quản lý cần kiến tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải; có chính sách khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới vào lĩnh vực dịch vụ vận tải ở nước ta.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin từ kinh nghiệm nước ngoài là một trong những biện pháp giúp cho việc tránh lãng phí xăng dầu, qua đó có điều kiện giảm giá cước và cuối cùng là tiết kiệm chi phí đi lại của người tiêu dùng.

Theo ý kiến của các chuyên gia, bên cạnh các biện pháp hành chính đang thực hiện, như kê khai giá cước vận tải, Nhà nước cần có cách tiếp cận mang tính thị trường.

Bà Phạm Quế Anh, Giám đốc Tổ chức Tín thác và Đoàn kết vì người tiêu dùng khuyến nghị:

“Để thúc đẩy cạnh tranh, Việt Nam cần tạo ra một thị trường vận tải mở với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hay loại hình vận tải mới.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy liều thuốc ‘cạnh tranh’ mới là giải pháp triệt để nhằm giảm giá cước vận tải.”

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia khẳng định “Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả của ngành vận tải là một xu hướng tất yếu và đang được Nhà nước hết sức khuyến khích phát triển.

Vì vậy, gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ đề nghị cho phép triển khai Đề án thí điểm GrabCar.

Tôi tin rằng, những phần mềm ứng dụng này sẽ giúp tăng hiệu quả trong điều hành và quản lý vận tải, giảm tỷ lệ xe rỗng chạy trên đường, qua đó, giảm được chi phí vận hành và cước phí cho người tiêu dùng”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại