Trao đổi xung quanh vấn đề này, một chuyên gia của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, doanh nhiệp chỉ không tuyển, thậm chí có thể cắt giảm lao động phổ thông, nhưng ngược lại, lao động cấp quản lý, thuộc nguồn nhân sự cao cấp thì vẫn được săn đón.
Nhu cầu cao, thu nhập hấp dẫn
Navigos Search, công ty tuyển dụng nhân sự cao cấp, cho biết, mỗi năm doanh nghiệp này tìm kiếm, tuyển dụng thành công khoảng 1.000 vị trí nhân sự cao cấp cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Trong đó, thường xuyên có nhu cầu “săn” nhân sự cao cấp là các doanh nghiệp FDI, chiếm đến 85%; khoảng 15% còn lại thuộc về các doanh nghiệp cổ phần và tư nhân.
Nhu cầu này, theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Navigos Search, gần như chưa bao giờ “nguội”, bất chấp tình hình doanh nghiệp nói chung vẫn khó khăn trong hai năm trở lại đây.
Thực tế, sức “nóng” trên thị trường nhân sự cao cấp không chỉ nằm ở nhu cầu cao, mà mức lương - thu nhập, chế độ đãi ngộ các doanh nghiệp đưa ra vẫn rất hấp dẫn.
Đại diện Navigos đưa ra dẫn chứng, vị trí giám đốc ban, đối với nhân sự là người nước ngoài, được trả khoảng 25 nghìn USD/tháng; nếu nhân sự là người Việt, mức này vào khoảng 7 - 8 nghìn USD/tháng.
Còn với vị trí trưởng phòng cấp trung, mức lương rơi vào khoảng 2 nghìn USD/tháng.
Tìm hiểu tại một số công ty tuyển dụng nhân sự khác cũng cho thấy, nhu cầu tìm kiếm nhân sự cao cấp không những không giảm mà còn tăng trong hai năm gần đây, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính.
Lãnh đạo của một ngân hàng thương mại cổ phần có hội sở tại Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bày tỏ quan điểm rằng, trong khủng hoảng, doanh nghiệp có thể thay bớt, giảm bớt nhân sự ở các bộ phận khác để đầu tư cho nhân sự cấp cao.
Bởi với họ, “tướng”, “người cầm quân” là vô cùng quan trọng. Nhiều ngân hàng vẫn sẵn sàng chi 4.000 đến 5.000 USD/tháng cho vị trí giám đốc vùng. Vị trí lãnh cao hơn thường không dưới 200 triệu/tháng.
Khối y tế tư nhân cũng được đánh giá là một trong những lĩnh vực “chịu chi” cho việc thu hút nhân sự tài năng. Theo tìm hiểu, bác sĩ nội trú của một bệnh viện nhà nước vẫn thường xuyên được mời chào “đầu quân” cho các bệnh viện tư với mức thu nhập trung bình từ 4.000 đến 7.000 USD/tháng.
Và, để minh chứng cho sự “nhộn nhịp” của thị trường nhân sự cao cấp, có lẽ cũng phải điểm đến sự kiện CareerBuilder, một thương hiệu tên tuổi trên thế giới chuyên cung cấp dịch vụ tìm kiếm nhân sự cấp cao, đã đặt chân vào thị trường Việt Nam cách đây vài tháng.
Việc CareerBuilder quyết định “thôn tính” hai trang web tìm kiếm việc làm trực tuyến tại Việt Nam là Kiemviec.com và HRVietnam.com chứng tỏ lĩnh vực tìm kiếm, khai thác nhân sự cho các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện rất tiềm năng.
Thiếu nguồn “nội”
Theo số liệu nói trên của Navigos Search, có nghĩa cứ mỗi tháng riêng doanh nghiệp này đã khiến cho khoảng 100 nhân sự cao cấp thay đổi công việc, thay đổi vị trí.
Tuy vậy, Navigos không phải là công ty duy nhất hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự cao cấp. Hơn nữa, không ít doanh nghiệp đã tự tìm kiếm, tuyển dụng nhân tài không thông qua trung gian, đặc biệt là các doanh nghiệp khối nhà nước.
Nói thế để thấy, nhu cầu về nguồn nhân sự cao cấp hiện nay rất lớn. Nhu cầu xem ra càng lớn hơn khi thực tế nguồn nhân lực này trên thị trường lao động lại khan hiếm, đặc biệt là nguồn trong nước.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh cho biết, khi “đặt hàng” Navigos “săn” nhân sự cao cấp, không ít doanh nghiệp đã đưa ra hàng loạt tiêu chí và với điều kiện phải là nguồn lao động trong nước. Kết quả sau nhiều tháng tuyển dụng, lao động trong nước không đáp ứng được các tiêu chí, doanh nghiệp đành phải miễn cưỡng thuê nhân sự người nước ngoài.
Cùng quan điểm, khi đánh giá về lĩnh vực “săn đầu người” tại Việt Nam, Tổng giám đốc CareerBuilder Việt Nam, ông Paul Nguyễn Hưng cũng đã nhấn mạnh đến yếu tố khan hiếm.
“Nhu cầu về nhân sự cao trên thị trường Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này trong nước hiện chưa thể đáp ứng đủ”, ông Paul Nguyễn Hưng nói.