“Trước giờ ở bển đó có nghe phong phanh về vụ ốc dừa có sán này rồi. Bữa nay vừa về tới nhà là cùng cả gia đình đi ăn ngoài ốc lắc ngoài Lê Lai. Nói là đi ăn ốc chứ ra ngoài đó kêu đĩa ốc dừa ra kiểm chứng coi có đúng là như vậy không. Và chuyện gì đã xảy ra thì các bạn coi video này rồi sẽ biết liền. Từ giã món ốc dừa được rồi nha các tình yêu của tôi... ”, thành viên Quynh Giao Vo viết.
Để chứng minh mình đúng, thành viên này không quên đăng tải clip quay cận cảnh ốc dừa có ổ sán.
Ngay sau khi clip “ốc dừa có ổ sán” được đăng tải, đã có hàng nghìn lượt like, chia sẻ và bình luận trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội. Đa phần mọi người thấy kinh hãi, hoang mang và quyết định “cạch mặt” tất cả các món ốc - chứ không riêng gì món ốc dừa - từ khi xem clip này.
Thành viên Van Xu bình luận: “Món ốc yêu thích của mình, chủ nhật nào cũng cùng bạn bè đi ăn. Giờ thì thôi hẳn, cạch mặt tất cả các món ốc từ đây”. Còn thành viên Quynh Chi thì tỏ ra lo lắng: “Trời ơi, cuối tuần nào cũng ăn đủ các loại ốc. Xem cái clip này mà thấy hoảng quá, không biết mình đã nuốt bao nhiêu con sán vào trong bụng rồi”.
Trong khi đó, thành viên Lan Huong lại tỏ ra hoang mang: “Ăn ốc có khuyến mại sán vào người thế này không biết có bị sao không nữa. Sán này còn nhìn thấy chứ những loại ký sinh trùng khác không nhìn được bằng mặt thường thì sao. Thôi từ này không ốc ếch gì nữa cả”.
Clip ốc dừa có sán:
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) - cho biết, ốc dừa có sán là chuyện bình thường, phổ biến. Chỉ có điều khi ăn mọi người không để ý nên không phát hiện được ra.
Theo ông Thịnh, các loại ốc, trai, hến... là dạng thể nhiễm (một mảnh hoặc hai mảnh). Chúng là một trong những đối tượng không an toàn nhất vì chúng sống ở dưới đáy hồ, ao, sông nên có thể bị nhiễm vi khuẩn, vi sinh vật và đặc biệt là ký sinh trùng như sán, giun.
“Nếu mọi người ăn những loại ốc có chứa ký sinh trùng thì rất nguy hiểm, bởi nếu vào ruột còn có thể uống thuốc chữa trị nhưng vào mắt, não thì không chữa được và có thể gây ra mù mắt, liệt... ”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, hiện các quán ốc được bày bán tràn lan trên vỉa hè rất mất vệ sinh. Đặc biệt, nguồn ốc lại được lấy chủ yếu từ các ao hồ bẩn, chứa chất thải nên tỷ lệ ốc chứa ký sinh trùng như giun, sán là rất cao.
“Các quán ốc thường nấu ốc chưa chín kỹ vì ốc nấu như vậy sẽ giòn, ngon. Song, ốc nấu chưa chín cũng đồng nghĩa với ký sinh trùng chưa chết, ăn vào sẽ nguy hiểm đến sức khỏe. Ngay cả ốc nấu chín kỹ thì nguy cơ lây nhiễm chéo cũng không thể tránh khỏi”. Ông Thịnh giải thích, trong quá trình chế biến ký sinh trùng có thể bám vào rổ, chậu, tay... và khi ăn ốc ký sinh trùng cũng theo đó vào cơ thể luôn.
Ngoài có thể bị nhiễm các loại giun, sán, khi ăn ốc còn có thể nhiễm các chất độc khác có trong ao hồ. Bởi theo ông, ao hồ thường là nơi chưa nước thải với rất nhiều độc tố, ốc sống trong môi trường đó có tỷ lệ nhiễm độc cao. Mọi chất độc trong bùn ao nằm trong ruột ốc, khi ăn vào thì nghiễm nhiên con người sẽ bị nhiễm độc theo (các chất độc này có nấu chín cũng không cách nào hết được). Ông Thịnh khuyến cáo mọi người hạn chế ăn các loại trai, ốc để tránh bị nhiễm các loại ký sinh trùng nguy hiểm.