Tổng lợi nhuận trước thuế quý II của Eximbank đạt hơn 366 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức trên 854 tỷ đồng cùng kỳ năm 2012. Lũy kế từ đầu năm, lợi nhuận trước thuế là hơn 755 tỷ, giảm đáng kể so với mức trên 1.800 tỷ đồng cùng kỳ 2012. Sau thuế, đơn vị này thu lãi 289 tỷ trong quý II/2013 - thấp hơn rất nhiều so với mức trên 639 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Nợ xấu của ngân hàng này sau 6 tháng cũng tăng đáng kể. Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ hơn 49 tỷ đồng lên hơn 200 tỷ, nợ nghi ngờ tăng từ hơn 144 tỷ đồng lên trên 217 tỷ đồng. Dù thế, nợ có khả năng mất vốn - thuộc nhóm xấu nhất lại giảm hơn 10 tỷ, từ trên 792 rơi về hơn 782 tỷ đồng, sau 6 tháng kinh doanh.
Những nhà băng được xếp “đồng hạng” với Eximbank như Techcombank hay ACB cũng chịu chung số phận. Chưa công bố lợi nhuận cụ thể, song theo báo cáo sơ bộ của tập đoàn mẹ là Masan, lợi nhuận thuần quý II của Techcombank giảm hơn 194 tỷ đồng so với cùng kỳ 2012. Nguyên nhân được cho là khó cho vay và lãi suất cho vay giảm mạnh trong thời gian vừa rồi.
Sau 6 tháng, tình hình kinh doanh của nhiều ngân hàng, trong đó có những đơn vị thuộc G12 (12 ngân hàng quy mô lớn nhất) đều không khả quan. Ảnh: Tuấn Mark.)
Ở ACB, 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh cũng tương đối ảm đạm. Ngân hàng này báo lợi nhuận quý II năm nay đạt hơn 548 tỷ đồng trước thuế, giảm gần 50% so với mức hơn 1.000 tỷ đồng cùng kỳ 2012. Lũy kế từ đầu năm, lãi trước thuế của ACB đạt hơn 943 tỷ đồng, thấp hơn tương đối với mức trên 2.100 tỷ đồng của năm 2012.
Nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm xuất phát từ nhiều yếu tố, song ảnh hưởng của những biến động về nhân sự cấp cao cũng như cách điều hành, quản trị của ngân hàng đến kết quả kinh doanh cũng là nhân tố được nhiều chuyên gia lưu ý.
Dù thế, việc xử lý nợ xấu của ngân hàng đầu tiên công bố lãi khủng trong quý II cũng không khả qua. Nợ xấu tại đơn vị này vẫn ghi nhận tăng nhiều, đặc biệt với nhóm 5 (có khả năng mất vốn), chỉ số nợ đã tăng hơn 1.300 tỷ đồng kể từ đầu kỷ đến cuối kỳ, nợ nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn) cũng tăng từ hơn 971 tỷ đồng lên hơn 1.826 tỷ.
Có quy mô khá lớn với kết quả kinh doanh các năm trước khả quan, lợi nhuận của Vietcombank giảm tương đối mạnh. Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của đơn vị này, tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng giảm từ mức hơn 1.182 tỷ đồng quý II/2012 về hơn 1.137 tỷ đồng. Lũy kế, từ đầu năm, lợi nhuận ngân hàng này sụt hơn 300 tỷ so với cùng kỳ năm trước.
Còn tính lợi nhuận sau thuế, 6 tháng hoạt động, Vietcombank thu về hơn 867 tỷ đồng - thấp hơn so với mức hơn 906 tỷ đồng nửa đầu năm 2012. Các chỉ số như tăng trưởng cho vay, nợ xấu cũng tăng lên so với mốc so sánh là cuối năm 2012. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng âm từ số dư trên 241.162 tỷ đồng về 237.600 tỷ, còn nợ xấu các nhóm 3 và 5 tăng lần lượt hơn 200 tỷ và hơn 800 tỷ đồng.
Còn ở SHB, lợi nhuận sau thuế trong quý II là hơn 141 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với mức hơn 222 tỷ của năm 2012. Lũy kế từ đầu năm, đơn vị này mới đạt hơn 304 tỷ đồng lãi sau thuê, thấp hơn so với mức trên 447 tỷ đồng của năm trước. Về nợ xấu, ngân hàng này công bố, so với cuối năm 2012, nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) đã tăng từ hơn 2.067 tỷ lên trên 3.180 tỷ đồng, nợ nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn) cũng nhích thêm hơn 100 tỷ đồng trong 6 tháng.
Tính đến thời điểm này, mới có duy nhất VietinBank cho biết sau 2 quý kinh doanh, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.941 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức trên 737 tỷ đồng cùng kỳ năm 2012. Lũy kế từ đầu năm, đơn vị này lãi trước thuế hơn 4.196 tỷ đồng, tăng 200% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi đóng thuế, số tiền VietinBank thu về lên tới hơn 2.270 tỷ đồng trong quý II, còn nếu tính lũy kế đã là hơn 3.212 tỷ đồng.
Bên cạnh thu nhập từ hoạt động dịch vụ và hoạt động khác tăng so với cùng kỳ năm 2012, tại ngân hàng này, trong quý II, thu nhập từ góp vốn mua cổ phần tăng mạnh hơn 290 tỷ đồng và lợi nhuận thuần từ kinh doanh tăng hơn 1.000 tỷ đồng là hai trong số những nhân tố đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh khả quan nói trên. Đóng góp vào lợi nhuận “khủng” của ngân hàng này còn có khoản lãi từ cho vay liên ngân hàng.
Với những ngân hàng thuộc nhóm G12 có kết quả kinh doanh như trên, lợi nhuận sụt giảm được cho là do môi trường kinh doanh khó khăn, không tăng trưởng được tín dụng, cộng với việc lãi suất cho vay giảm mạnh trong thời gian vừa rồi.