Các vụ hợp tác với sao ngoại ở bất cứ góc độ nào cũng khiến nhiều NĐT quan tâm. Sự xuất hiện của các ngôi sao nước ngoài gần đây khiến giá cổ phiếu nóng lên từng ngày. Giới đầu tư kỳ vọng thương hiệu của doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm chủ được những cuộc chơi đầy tốn kém này.
Tiền phồng túi nhờ sao
Trái với tình trạng liên tục giảm mạnh trước đó, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai đã tăng 6 phiên liên tục trước khi sự kiện đội bóng Arsenal du đấu ở Việt Nam.
Tính tổng 6 phiên, HAG đã tăng thêm 2.100 đồng, từ mức 20.300 đồng/cp lên 22.400 đồng/cp vào cuối phiên giao dịch ngày 16/7, tương đương tăng hơn 10%.
Với việc sở hữu hơn 310 triệu cổ phiếu HAG, tổng tài sản của chủ tịch HAG, ông Đoàn Nguyên Đức tăng thêm trên 650 tỷ đồng, gần bằng tổng tài sản tăng thêm của chính đại gia này trong cả sáu tháng đầu năm khi mà TTCK hồi phục mạnh mẽ, thuộc tốp đầu thế giới.
Cổ phiếu HAG quay đầu tăng khá mạnh trong khi DN không công bố thông tin đáng chú ý nào về hoạt động sản xuất kinh doanh khiến nhiều NĐT cho rằng là nhờ ảnh hưởng tích cực của sự kiện Arsenal đến Việt Nam.
Bầu Đức đã nhiều lần khẳng định, ông mời Arsenal sang Việt Nam không phải vì tiền, trong chiến dịch này ông không quan tâm tới tiền và không thể kiếm được tiền. Tuy nhiên, thực tế nhiều người lại không nghĩ như vậy, với họ chiến dịch này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho HAG.
Cái lợi mà nhiều người nhìn thấy rõ nhất là hình ảnh HAGL được lan truyền sâu rộng hơn không chỉ trong nước mà cả quốc tế trong vài tuần gần đây.
Trước đó, giới đầu tư cũng đã rùm beng sự kiện ông chủ Tập đoàn Hoa Sen, Lê Phước Vũ mời “ngôi sao” không chân tay và là một nhà diễn thuyết nổi tiếng Nick Vujicic tới nói chuyện với hàng vạn thanh thiếu niên Việt Nam cũng trên sân vận động Mỹ Đình.
Chưa biết tác động tích cực của chiến dịch PR hoàn hảo của Hoa Sen sẽ ngấm và nâng DN này tới đâu nhưng cái mà nhiều người nhìn thấy được ngay là cổ phiếu HSG của Hoa Sen tăng vọt từ dưới 40.000 đồng/cp hồi đầu tháng 5/2013 lên tới trên 50.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 5.
Tính riêng trong hai ngày sau khi Nick đến Việt Nam (23-24/5), cổ phiếu HSG đột ngột tăng mạnh với mức tăng tổng cộng là 9,3% và nó khiến giá thị trường của HSG tăng thêm gần 400 tỷ đồng. Riêng ông Vũ (chủ tịch) có giá trị cổ phiếu tăng thêm hơn 180 tỷ đồng lên 2.122 tỷ đồng.
Trong những ngày đó, cái tên Tập đoàn Hoa Sen, tôn Hoa Sen hay biểu tượng Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ chìm ngập trên các phương tiện thông tin phủ rộng trên phạm vi cả nước trước trong và cả sau những ngày chiến dịch diễn ra.
Cũng với kịch bản bắt tay với sao, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã từng mời cựu thủ môn Peter Schmeichel của Manchester United sang nhân sự kiện ra mắt sản phẩm thẻ mới. Và trường hợp, Pepsi đã từng tổ chức "Ngày hội bóng đá" với hình ảnh danh thủ Nguyễn Hồng Sơn tâng bóng cùng với các cầu thủ hàng đầu thế giới.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm nay, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) , cho biết Tổng công ty dự kiến chi 1 triệu USD mời tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic chơi tennis một buổi tại sân Lan Anh, TP.HCM trong năm nay.
Những cú mất đau
Chia sẻ về sự kiện Arsenal tới Việt Nam, bầu Đức gần đây cho biết, ông mời Arsenal sang Việt Nam không phải vì tiền. Và dường như trong mấy này qua, ông Đức cũng không quan tâm nhiều đế việc cổ phiếu lên xuống.
Chủ tịch Tôn Hoa Sen, ông Vũ cũng cho rằng, cổ phiếu tăng không do Nick Vujicic. Việc cổ phiếu tăng khiến tài sản của ông tăng thêm hơn 100 tỷ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà không phải là bản chất.
Trên thực tế, sau hai sự kiện HSG với Nick và HAG với Arsenal, đa số các chuyên gia cho rằng, hai doanh nghiệp này đã thành công trong chiến dịch PR của mình.
Trước đây, DN chủ yếu tập trung truyền thông hướng sự chú ý tới đối tượng khách hàng tiêu dùng trực tiếp để tăng doanh thu nhưng gần đây chiến lược truyền thông hướng tới “trách nhiệm xã hội” được các DN chú ý nhiều hơn. Sức lan tỏa của các sự kiện như này trong bối cảnh hiện nay đang chứng minh các doanh nghiệp Việt tìm đến một hướng đi đúng.
Mặc dù vậy, để thực hiện được các chiến dịch lớn với các ngôi sao lớn trên thế giới và tạo ra được làn sóng thu hút truyền thông, công chúng và tạo hình ảnh tích cực đối với giới đầu tư, khách hàng là điều không hề dễ.
Gần đây việc một doanh nghiệp có thái độ lấp lửng về kế hoạch mời sao khiêu dâm người Nhật Bản tới Việt Nam quảng bá cho sản phẩm game mới đã mang tới nhiều kết quả không như mong muốn, tổn hại uy tín của doanh nghiệp.
Vụ việc đã thực sự đi theo chiều hướng tiêu cực khi báo giới phê phán mạnh mẽ, thậm chi cho rằng đây là một “chiêu tiếp thị bẩn”, vì bằng cách này hay cách kia, dù có thật hay chỉ là bịa đặt thì vẫn cần phải ngăn chặn và xử lý.
Trước đó, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sửa là Vinamilk cũng đã chi 2 triệu USD mời đội bóng Arsenal để làm thương hiệu cho sản phẩm cà phê hòa tan Moment nhưng kết quả không được như kỳ vọng. Ba năm sau, nhãn hàng này chỉ đóng góp 1% vào tổng lợi nhuận của Vinamilk (so với kỳ vọng 5%). Doanh nghiệp sau đó đã phải ngừng sản xuất sản phẩm cà phê Moment. Chiến lược đầu tư vào cà phê và cú PR gắn tên tuổi với Arsenal là một thất bại để đời mà Vinamilk không muốn nhắc đến.
Chơi với sao ngoại, thành công cũng có, thất bại cũng không ít nhưng điều quan trọng vẫn phụ thuộc vào chính chiến lược kinh doanh của DN chứ không phải bỏ triệu USD mời sao hoành trang là dễ thành công.