Mới đây, CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật đã công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2015 (1/4/2015- 30/9/2015) được kiểm toán bởi KPMG.
Theo đó, thay vì mức lợi nhuận sau thuế gần 4 tỷ đồng như báo cáo tự lập trước đó, JVC đã lỗ tới hơn 623 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên 640 tỷ đồng là nguyên nhân khiến JVC lỗ lớn và đây thực sự là kết quả gây sốc cho cổ đông công ty.
Trên sàn giao dịch, cổ phiếu JVC liên tiếp giảm sàn. Thậm chí, trong sáng 13/1/2016, thị giá JVC chỉ còn 4.000 đồng, mức thấp nhất kể từ khi niêm yết.
Số dư tiền mặt tại quỹ bằng 0
Theo báo cáo được kiểm toán, tại thời điểm 30/9/2015, JVC không còn số dư tiền mặt tại quỹ.
Trong khi thời điểm 31/3/2015, JVC có lượng tiền mặt tại quỹ khá lớn, lên tới 403 tỷ đồng và đã gây không ít hoài nghi cho giới đầu tư bởi có lẽ không doanh nghiệp nào mạo hiểm để lượng tiền lớn như vậy tại công ty.
Tại ĐHCĐ thường niên 2015, bà Hồ Bích Ngọc- kế toán trưởng JVC từng cho biết công ty đã không còn giữ nhiều tiền mặt tại quỹ do đã chuyển bớt vào tài khoản ngân hàng và sử dụng cho các hoạt động kinh doanh.
Giải trình về số dư tiền mặt “biến mất” trong báo cáo, JVC cho biết két tiền mặt đã bị cơ quan chức năng tạm thu giữ vào tháng 6/2015 để phục vụ công tác điều tra liên quan đến ông Lê Văn Hướng và được ghi nhận tại khoản mục “Khoản phải thu khác”.
Tại "Khoản phải thu khác", số dư khoản mục này tăng vọt từ mức 125 tỷ đồng trong báo cáo tự lập của JVC lên hơn 420 tỷ đồng.
Trong đó bao gồm khoản tiền 2,87 tỷ đồng do cơ quan chức năng nắm giữ phục vụ điều tra.
Ngoài ra, JVC đang có khoản tiền tạm ứng cho một bên liên quan số tiền 110 tỷ đồng cho mục đích thực hiện hợp đồng góp vốn đầu tư dự án liên kết thiết bị y tế và thế chấp khoản tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ- chi nhánh TP HCM trị giá 280 tỷ đồng cho Vietinbank để bảo lãnh cho các khoản vay của một số bên liên quan tại ngân hàng này.
Ngày 23/6/2015, Vietinbank đã thu khoản bảo lãnh của công ty trị giá 246,68 tỷ đồng để thanh toán cho khoản gốc và lãi vay của những khoản vay của những khoản vay của các bên liên quan này do vi phạm hợp đồng vay.
Công ty cũng cho một bên liên quan vay số tiền trị giá 35 tỷ đồng và ứng trước cho một bên liên quan số tiền trị giá 24,45 tỷ đồng.
Tổng giá trị các khoản tạm ứng, cho vay và thanh toán hộ các bên liên quan là 416,13 tỷ đồng tại ngày 30/9/2015.
Tuy vậy, danh tính những khoản cho vay này không được JVC nêu rõ và KPMG đã có ý kiến ngoại trừ về khả năng thu hồi các khoản tiền này.
JVC cho biết các khoản công nợ này đều là đối tác lâu năm của công ty. Tuy nhiên, JVC cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin khách quan để chứng minh về khả năng thu hồi các khoản nợ này.
Hiện tại, tổng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn bao gồm phải thu khách hàng, trả trước cho người bán, các khoản phải thu khác của JVC lên tới gần 1.200 tỷ đồng và công ty đã phải trích lập dự phòng 552 tỷ đồng cho khoản mục này.
Việc trích lập dự phòng khá lớn đã khiến tổng tài sản JVC sụt giảm 868 tỷ đồng so với thời điểm 31/3/2015, chỉ còn 1.620 tỷ đồng.