Honda - Ông vua xe máy thế giới 20 năm thống trị tại Việt Nam

Công ty Honda Việt Nam là liên doanh của 3 đối tác: Honda Motor (Nhật Bản - 42%), Asian Honda Motor (Thái Lan - 28%), Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (- 30%).

Được xem là nhà sản xuất xe máy lớn nhất thế giới từ năm 1989, tập đoàn Honda đồng thời cũng là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 8 thế giới, sau General Motors, Volkswagen, Toyota, Huyndai, Ford, Nissa và PSA Peugeot Citroën năm 2011.

Mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng hiện Honda là công ty sản xuất ô tô lớn thứ 2 tại Nhật Bản, sau nhà tiên phong Toyota.

Từ nhà cung cấp thất bại thành đối thủ cạnh tranh

Nhà sáng lập ra tập đoàn Honda ngày nay là Soichiro Honda. Ông sinh năm 1906 trong một gia đình nông thôn tại vùng Hamamatsu, Nhật Bản.

Soichiro Honda được ví với Henry Ford khi có khá nhiều điểm chung như ghét đọc và viết nhưng lại đặc biệt đam mê nghiên khoa học.

Cả hai đều không sử dụng nhiều kiến thức được đào tạo chính thức mà học hỏi qua tìm tòi, tự học từ thực tế và tên tuổi họ chỉ được nhắc đến khi đã qua tuổi 40.

Năm 16 tuổi Soichiro Honda tới Tokyo và trở thành nhân viên tập sự cho cửa hàng sửa xe Arto Shokai.

Những năm tháng tại Tokyo cùng với sự ảnh hưởng của trận động đất lớn Kanto năm 1923, Honda đã tìm ra niềm đam mê với chế tạo ô tô và đua xe.

Ông cũng giúp Arto Shokai chế tạo ra những xe đua và thậm chí tham gia các giải đấu.

Làm tốt công việc tại xưởng, vài năm sau ông chủ Arto Shokai giúp Honda xây dựng một chi nhánh tại quê nhà bắt đầu với 1 nhân viên.

Với nhiệt huyết tuổi trẻ cùng với việc động viên, thu hút được những kỹ sư trẻ không dựa trên nền tảng giáo dục, cửa hàng sửa xe của Honda phát triển tốt, thậm chí ông còn tuyển tới 50 nhân viên.

Nhưng với niềm đam mê chế tạo xe, Honda quyết định những đồng tiền thực sự là đến từ sản xuất thay vì đi sửa chữa xe được sản xuất bởi người khác.

Năm 1934, ở tuổi 28, Honda quyết định sản xuất vòng găng pit-ton.

Đây có thể xem là ý tưởng tốt tại thời điểm này bởi bất kỳ động cơ nào trên thế giới đều cần những vòng găng pit-ton và vốn đầu tư ban đầu tương đối thấp.

Tuy nhiên những sản phẩm này gặp lỗi và nhanh chóng rơi khỏi pit-ton khi sử dụng.

Honda dành hàng đêm tại nhà máy để giải quyết vấn đề tuy nhiên vẫn không tìm ra được lỗi, cuối cùng ông đến gặp giáo sư trường Hamatsu Technical School để được giải đáp và nguyên nhân là do sự thiếu hụt của các thành phần trong hợp kim.

Sau đó Honda quyết định tham gia học kỹ sư máy ở tuổi 29 của trường này.

Tuy nhiên Honda vẫn giữ quan điểm ghét sinh viên tốt nghiệp đại học, những người chỉ rập khuôn, thay vào đó ông tuyển những kỹ sư có thể thiếu nền tảng đào tạo nhưng sáng tạo.

Chưa có công ty nào cho phép kỹ sư của mình nhiều tự do để mắc lỗi như Honda.

Năm 1937, nhà máy của Honda nhận được đơn đặt hàng 50.000 vòng găng pit-ton từ Toyota nhưng mất đơn hàng do 50 mẫu chỉ có 3 chiếc đạt tiêu chuẩn của hãng này.

Honda phải tìm những khách hàng khác và giảm giá bán cho những nhà sản xuất có động cơ chất lượng thấp hơn. Vài năm sau, sản phẩm của Honda đáp ứng được tiêu chuẩn của Toyota.

Năm 1942 Toyota mua lại 40% cổ phần của công ty Honda vốn có tên Tokai Seikai Heavy Industry.

Thương vụ này đem lại nguồn tài chính để Honda tiến vào ngành sản xuất xe máy. Năm 1949, Honda giới thiệu chiếc xe mô-tô 98cc đầu tiên được đặt tên Dream.

Đến năm 1950, Honda sản xuất 1.000 chiếc xem mô-tô mỗi tháng. Và 20 năm sau, Honda bước vào ngành sản xuất ô tô cạnh tranh với Toyota.

Hiện hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn này không chỉ gồm ô tô, mô tô mà còn có động cơ, thiết bị điện, robot, phi cơ, pin mặt trời.

Năm tài chính 2015, tập đoàn này đạt doanh thu bán hàng 13.328 tỷ yên, tương đương khoảng 111 tỷ USD.

Trong đó Bắc Mỹ là thị trường đóng góp lớn nhất vào doanh thu toàn tập đoàn với 6.870 tỷ yên, chiếm tỷ trọng khoảng 45%.

Nếu xét theo mảng kinh doanh, ô tô là hoạt động đóng góp phần lớn doanh thu khi đạt 9.603 tỷ yên, chiếm tới hơn 72%.

Ông trùm ngành xe máy tại Việt Nam

Nếu thị trường tiêu thụ ô tô chính của Honda là Bắc Mỹ thì châu Á lại là mảnh đất màu mỡ cho việc bán mô tô.

Theo số liệu tập đoàn này công bố, doanh thu từ châu Á chiếm tỉ trọng lớn trong hoạt động sản xuất xe máy của Honda.

Điều này cũng không ngạc nhiên khi Honda đặt nhà máy sản xuất khá sớm thị châu Á, trong đó có Việt Nam.

Honda nhận giấy phép đầu tư tại Việt Nam từ tháng 3/1996.

Công ty Honda Việt Nam là liên doanh của 3 đối tác: Honda Motor (Nhật Bản: 42%), Asian Honda Motor (Thái Lan: 28%), Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (30% - Đây cũng là tổng công ty tham gia liên doanh thành lập Toyota Việt Nam).

Đến tháng 12 năm 1997, Honda Việt Nam nhanh chóng xuất xưởng chiếc Super Dream đầu tiên.

Đầu năm 1998, công ty này khánh thành nhà máy đầu tiên.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, Honda Việt Nam bắt đầu xuất khẩu xe máy sang Philippines từ năm 2002. Năm 2008, Honda tiếp tục xây dựng nhà máy xe máy thứ 2 với vốn đầu tư 65 triệu USD.

Kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam, nhắc đến xe máy là nhắc đến Honda. Năm 2012, Honda Việt Nam công bố doanh số 1,9 triệu xe.

Nếu chỉ tính riêng các hãng xe máy có vốn FDI, Honda chiếm khoảng 65% thị phần. Về độ phủ, Honda hiện có tới hơn 640 đại lý ủy quyền (HEAD) trên toàn quốc.

Làm được điều này do Honda hiện diện từ sớm trên thị trường Việt Nam nên dễ tạo ấn tượng với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó Honda được đánh giá cao nhờ chiến lược Markeing hiệu quả: chính sách giá và sản phẩm phù hợp với đối tượng tiêu dùng là người có thu nhập từ trung bình đến cao, phân phối hợp lý, chính sách xúc tiến đánh trúng vào tâm lý người Việt với slogan “Tôi yêu Việt Nam”.

Về hoạt động sản xuất ô tô, năm 2005, Honda Việt Nam khởi công xây dựng nhà máy ô tô với vốn đầu tư 60 triệu USD.

Hiện Honda Việt Nam là hãng đứng thứ 4 thị phần các nhà sản xuất ô tô thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (Vama) với mức 4,9% năm 2014.

Theo công bố từ Vama, trong năm 2014, Honda bán ra thị trường 6.492 chiếc ô tô, tăng 41% so với con số 4.593 chiếc năm 2014.

Honda Việt Nam cũng là một trong những hãng ô tô lớn có tốc độ tăng trưởng doanh số đáng nể sau Ford Việt Nam (71%).

Honda Việt Nam cũng là doanh nghiệp FDI nộp thuế lớn nhất theo bảng xếp hạng 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam do Vietnam Report xếp hạng.

Trong bảng xếp hạng này, Honda Việt Nam đứng thứ 5 sau những tên tuổi quen thuộc với người Việt như Viettel, Mobifone, Tổng công ty khí Việt Nam, Vietinbank và đứng trên cả Vinamilk, Vietcombank, Unilever Việt Nam hay Toyota Việt Nam.

Tuy nhiên từ cuối tháng 5 năm nay, Honda Việt Nam và cơ quan thuế có cuộc tranh cãi về nợ thuế.

Trong khi Bộ tài chính cho rằng ngoài khoản thuế truy thu đã nộp theo kết luận thanh tra, kiểm tra thuế, doanh nghiệp này còn nợ khoản thuế rất lớn khác.

Về phía Honda Việt Nam, đại diện công ty cho biết họ không nợ khoản thuế này, chỉ là đang có sự hiểu nhầm về thời điểm áp dụng ưu đãi thuế TNDN cho Honda Việt Nam.

Cụ thể Honda hiểu thời điểm áp dụng ưu đãi thuế tính từ tháng 1/1998 trong khi cơ quan thuế cho rằng thời điểm bắt đầu từ năm 1997.

Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đạo thời điểm áp dụng là 1997 và doanh nghiệp phải nộp bổ sung thuế.

Đến tháng 7 năm 2015, cùng với 182 tỷ đồng truy thu theo kết quả thanh tra, kiểm tra định kỳ liên quan đến thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, Honda Việt Nam đã nộp 297 tỷ đồng tiền thuế truy thu.

Như vậy Honda Việt Nam đã nộp thuế tới gần 500 tỷ đồng sau khi truy thu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại