Vì sao chọn Israel?
Sau hàng loạt những thành công từ mía đường, cao su, bài học nông nghiệp từ Israel tiếp tục đem lại những thành quả tươi sáng với hơn 5.000ha ngô cho bầu Đức tại Campuchia.
Ông chủ Tập đoàn HAGL cho biết, xác định nông nghiệp sẽ là lĩnh vực chủ lực cho tập đoàn, nên bất cứ cây nông nghiệp nào đem lại hiệu quả HAGL sẽ làm.
Qua thăm dò, khảo sát thực tế, Israel được đánh giá là nước có nền nông nghiệp phát triển bậc nhất thế giới với công nghệ hiện đại, năng suất cao gấp 3-4 lần trong nước, trong khi đó đất đai của họ rất xấu, chỉ toàn sỏi, đá.
Bầu Đức cho biết, kết quả bước đầu ông đạt được là nhờ kỹ thuật trong việc áp dụng "nông nghiệp không đất" mà ông học được từ Israel.
"Israel một năm không có giọt mưa, đất đai toàn sỏi, đá nhưng họ vẫn trồng ngô với sản lượng 18 tấn/ha trong khi Việt Nam chỉ đạt 7 tấn/ha. Điều đó chứng tỏ, đất không quan trọng".
Chỉ trong 6 tháng, toàn bộ công nghệ làm nông nghiệp từ các chuyên gia Israel đã được bầu Đức mua lại và đưa vào ứng dụng dưới sự giúp đỡ, tư vấn của hàng loạt các chuyên gia nước này.
Từ công nghệ phân tích công thức đất, chỉ số dinh dưỡng, nước, làm ẩm, bón phân… tất cả đều được mua lại từ Isreal. Quy trình làm nông nghiệp này hoàn toàn khép kín dưới sự tính toán của máy móc.
Bắt đầu triển khai trồng thử với diện tích 5.000 ha tại Campuchia, chỉ sau 2-3 tháng cho thấy kết quả khả quan, thậm chí còn tốt hơn cả Israel.
Điều đặc biệt, quy trình làm nông nghiệp của họ khác hoàn toàn quy trình tại Việt Nam. Việt Nam trồng ngô mùa mưa thì họ lại trồng mùa khô.
Hiện những diện tích ngô đầu tiên đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo tính toán của tập đoàn này, vòng quay vốn của cây ngô ngắn, chỉ 4 tháng, do vậy, một năm tập đoàn có thể làm từ 2 - 3 vụ, năng suất mỗi năm 2 vụ có thể lên 28 tấn/ha/năm, giá bán ra thị trường vào khoảng 6.000/kg, từ đó có thể tính ra doanh thu vào khoảng 168 triệu/ha. Và nếu năm 2014, tập đoàn HAGL nâng diện tích trồng cây ngô lên 8.000 ha thì doanh thu có thể lên đến 1.344 tỷ đồng.
“Tôi làm nông nghiệp không phải vì cùng đường, gặp gì thì làm nấy. Từ mía, cao su và giờ tới ngô. Tôi làm nông nghiệp là dựa vào những tính toán kỹ giữa bài toán kinh tế, thu nhập với đầu tư thì tôi làm”, ông Đức chia sẻ.
Tất nhiên, có kết quả này phải đầu tư rất lớn vào công nghệ, phải sử dụng công nghệ đồng bộ mới thành công. Điều này Việt Nam chưa thể làm được.
Theo đánh giá của Bầu Đức, nguyên nhân nông nghiệp Việt không có đất sống là vì hiện nay không có phát minh, không có nghiên cứu nào mang tính quy mô, toàn diện.
"Trong khi công nghệ thì lạc hậu, năng suất thấp, chi phí cao thì chết là đúng rồi. Cứ làm nông nghiệp như Việt Nam làm sao giàu được”, bầu Đức nhận định.
Bộ Công thương thuê tư vấn Trung Quốc
Hàng loạt thành công của Bầu Đức, được đánh giá là xuất phát từ sự tính toán khôn ngoan, thể hiện một tầm nhìn chiến lược lâu dài. Cụ thể ở đây chính là lựa chọn nông nghiệp của Israel, một trong những nước có nền công nghệ tiên tiến đứng đầu thế giới mà không phải là Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khá.
Chính điều này đã giúp Bầu Đức đi từ thành công này tới thành công khác.
Trong khi đó, trong nước vẫn loay hoay tìm bài giải gỡ khó cho tiêu thụ nông sản, trong đó câu chuyện dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh.
Không giống Bầu Đức lựa chọn đầu tư vào công nghệ, lựa chọn công nghệ tiên tiến nhất thế giới là Israel, Bộ Công thương lại tính dành kinh phí thuê nhà tư vấn nằm tại Trung Quốc hoặc của Trung Quốc nghiên cứu, đưa ra tư vấn phương hướng thâm nhập thị trường này.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)khẳng định: “Hiện nay, các cơ quan nhà nước đã có những nghiên cứu như thế, nhưng còn rất hạn chế. Bộ Công Thương và Bộ NN- PTNT đã đưa ra đề án đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, tuy nhiên xuất khẩu nông sản, trừ mặt hàng gạo đã có truyền thống, còn một số mặt hàng khác còn mới. Nghiên cứu về thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam còn chưa đầy đủ”.
Ông Trần Thanh Hải thông tin, một trong những biện pháp Bộ Công thương đang tính đến đó là sẽ dành kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia để thuê các nhà tư vấn nằm tại Trung Quốc hoặc của Trung Quốc nghiên cứu để đưa ra cho Việt Nam những tư vấn phương hướng thâm nhập thị trường này.
Mặc dù nhiều chuyên gia đã lên tiếng lo ngại trước tình trạng "bắt trước Trung Quốc". Ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại chia sẻ “Ta nằm cạnh nước Trung Quốc khổng lồ thì ta phải phát triển khác với Trung Quốc. Nếu áp dụng công nghệ như của DN láng giếng thì ta không thể cạnh tranh được, bởi quy mô của họ lớn hơn”.
Ông cũng kể ra một câu chuyện cụ thể, "Khi tôi đến thăm Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông, thấy sản phẩm của họ cạnh tranh hơn hẳn phích nước Trung Quốc. Bởi Rạng Đông đã sử dụng công nghệ khác với Trung Quốc…”, ông Tuyển nêu ví dụ.
“Thế nhưng, rất tiếc là, nhiều DN của ta vẫn chạy theo công nghệ Trung Quốc”, ông Tuyển nói.