Tổng nợ vay của tập đoàn này hiện là 14.255 tỷ đồng, giảm khoảng 11% so với cuối năm trước. Đóng góp lớn vào quá trình giảm nợ vay này là việc HAGL đã chuyển đổi khoản vay quốc tế quy mô lớn thành vốn cổ phần hồi tháng 6/2013.
Tuy nhiên, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) là một tập đoàn đa ngành và đang sở hữu hàng loạt dự án cao su, mía đường, cọ dầu trong lĩnh vực nông nghiệp và các dự án bất động sản, nổi bật nhất là khu phức hợp quy mô đầu tư 440 triệu USD tại Myanmar, tập đoàn này luôn có nhu cầu vốn hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Thông tin từ một ngân hàng cho biết, trong năm 2014, HAGL có kế hoạch huy động ít nhất khoảng 1.500 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án cao su và cọ dầu tại Campuchia (20 triệu USD), tái cơ cấu các khoản vay (560 tỷ), thanh toán các trái phiếu (146 tỷ) và tài trợ vốn lưu động khoảng 400 tỷ.
Trong kế hoạch huy động này, cơ cấu vốn cho dự án ở nước ngoài chiếm khoảng 27% chưa bao gồm việc phân bổ vốn lưu động (trong số 400 tỷ) cho các hoạt động kinh doanh ngoài Việt Nam của HAGL. Do các hoạt động kinh doanh chính của HAGL đang nằm ở Campuchia, Lào và Myanmar, nên tập đoàn này sẽ phải huy động vốn từ các ngân hàng trong nước để chuyển ra nước ngoài đầu tư.
Con số tính tóan được từ các khoản huy động vốn bằng trái phiếu (có công bố mục đích sử dụng vốn) cho thấy, khoảng 67% vốn của trái phiếu trong số hơn 8.300 tỷ được sử dụng vào lĩnh vực cao su (phần lớn nằm ngoài Việt Nam).
Cụ thể, chi tiết các khoản vay nợ của HAGL được trình bày trong báo cáo tài chính quý 4/2013 như sau:
Trái phiếu phát hành 8.376 tỷ đồng, bao gồm:
• 1.100 tỷ trái phiếu chuyển đổi phát hành cho một công ty thành viên của Tập đoàn Temasek (Singapore). Trong lần điều chỉnh gần nhất (tháng 3/2013), HAGL và chủ nợ trái phiếu này đã kéo dài thời hạn đến năm 2015, giảm giá chuyển đổi xuống mức 25.000 đồng/ cổ phần và lãi suất (nếu không chuyển đổi) là mức trung bình lãi tiền gửi 1 năm của 5 ngân hàng + 3%/năm.Khoản vay này đã được chuyển thành “Vay nợ ngắn hạn” sau khi hai bên bổ sung điều khoản yêu cầu mua lại (từng phần hoặc toàn bộ).
• 1.130 tỷ trái phiếu hoán đổi (thành cổ phiếu của Cao su HAGL) phát hành cho một công ty thành viên của Tập đoàn Temasek (Singapore)đáo hạn vào năm 2015. Lãi suất hàng năm được tính bằng 5% * (1+ Thay đổi tỷ giá VND/USD). Giá trị Thay đổi tỷ giá VND/USD có thể được thay thế bằng con số thỏa thuận giữ HAGL và trái chủ.
Chi tiết huy động trái phiếu của HAGL theo chủ nợ (hoặc đơn vị thu xếp vốn). Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2013
• 500 tỷ trái phiếu phát hành do BIDV và Công ty Chứng khoán (CTCK) BIDV thu xếp vốn, đáo hạn năm 2014. Lãi suất phải trả năm đầu tiên là 18%, các năm tiếp theo là 4% + lãi tiết kiệm trung bình của 4 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank chi nhánh Gia Lai).
• 1.700 tỷ trái phiếu phát hành năm 2012, đáo hạn năm 2017. Lãi suất năm đầu tiên là 18,5%, các năm tiếp theo là lãi suất tiết kiệm 13 tháng + 6,5%/năm. Đợt phát hành này do ACBS thu xếp với mục tiêu huy động 2.500 tỷ nhưng HAGL chỉ bán được cho Eximbank (800 tỷ), Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (450 tỷ) và ACBS mua 450 tỷ. Sau đó ACBS đã chuyển nhượng luôn khoản đầu tư này trong năm 2012 cho nhà đầu tư khác.
• 850 tỷ trái phiếu phát hành do BIDV và CTCK BIDV thu xếp, đáo hạn vào năm 2015. Lãi suất HAGL đang phải trả là trung bình lãi tiết kiệm trung bình của 4 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank chi nhánh Gia Lai) cộng 5%/năm.
• 2.000 tỷ trái phiếu kèm chứng quyền (quyền mua cổ phiếu Cao Su HAGL) do CTCK VPBank thu xếp vốn. Thời gian đáo hạn là năm 2015 (có thể gia hạn thêm 1 năm), lãi suất năm đầu tiên là 11,37% và các năm tiếp theo là lãi tiết kiệm 12 tháng của VPBank + 3%/năm. Trái phiếu này ban đầu được bán cho CTCK EuroCapital, tuy nhiên báo cáo tài chính của EuroCapital đã không còn ghi nhận khoản đầu tư này. Với cách tính lãi và vai trò của tổ chức tư vấn, chủ nợ của trái phiếu này có thể là VPBank.
• 146 tỷ trái phiếu phát hành cho ngân hàng Phương Đông (OCB) đáo hạn vào năm 2016 với lãi năm đầu tiên là 15%/năm và các năm tiếp theo tính bằng lãi suất tiết kiệm 13 tháng + 6%/năm. Đợt phát hành này do ACBS thu xếp vốn với kỳ vọng thu hút 450 tỷ đồng, nhưng HAGL chỉ bán được 146 tỷ cho OCB.
• 950 tỷ trái phiếu phát hành do BIDV và CTCK BIDV thu xếp vào quý 3/2013, đáo hạn vào năm 2016. Lãi suất năm đầu tiên là 14% và các năm tiếp theo là trung bình lãi tiết kiệm trung bình của 4 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank chi nhánh Gia Lai) cộng 5%.
Nợ vay ngân hàng 5.879 tỷ đồng, bao gồm:
Báo cáo tài chính quý 4/2013 của HAGL không thuyết minh chi tiết các khoản tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, phần lớn các khoản vay này được duy trì từ giữ năm 2013, đặc biệt là các khoản vay dài hạn (4.537 tỷ) chiếm 77% tổng nợ vay ngân hàng của tập đoàn hiện tại.
Báo cáo 6 tháng được soát xét của HAGL trình bày chi tiết các khoản vay ngân hàng ngắn và dài hạn như sau:
• Vay ngắn hạn 2.689 tỷ: BIDV (1.097 tỷ); Vietcombank (921 tỷ); Sacombank (499 tỷ); Viet-Lao Bank (100 tỷ); Vietinbank (47 tỷ), Agribank 17 tỷ) và SHB (5 tỷ).
• Vay dài hạn 4.046 tỷ: BIDV (1.784 tỷ); Sacombank (1.164 tỷ); Eximbank (480 tỷ); Lao-Viet Bank (332 tỷ); ACB (147 tỷ); Vietcombank (126 tỷ); Vietinbank (10,5 tỷ). Trong đó, giá trị các khoản vay dài hạn đến hạn phải trả là 869 tỷ.
Chi tiết nợ vay ngân hàng của HAGL đến 30/6/2013. Nguồn BCTC HNSX bán niên 2013