Ngày 07/03/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, biện pháp tự vệ tạm thời được Bộ Công Thương áp dụng với mức thuế tương đối là 23,3% đối với Phôi thép và 14,2% đối với Thép dài, áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày.
Quyết định này đã đáp ứng yêu cầu của nhóm đề xuất biện pháp tự vệ gồm có 2 thành viên của VNSteel là Tisco ( TIS ) và Công ty Thép Miền Nam,Hòa Phát ( HPG ), Thép Việt Ý ( VIS ).
Trong đó, theo nhiều ý kiến thì với vị thế là doanh nghiệp lớn, tự chủ được phôi thép, Hòa Phát sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất.
Không đồng ý với ý kiến này, trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Hà – Giám đốc CTCP Thép Hòa Phát cho rằng, quyết định của Bộ công thương được ban hành nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước trước tình hình phôi thép nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất thép Việt Nam, chứ không phải bảo vệ lợi ích của bất cứ doanh nghiệp nào.
Theo ông Hà, bất kỳ chính sách nào cũng có hai mặt của nó, nhưng phải xét trên lợi ích tổng thể toàn ngành để hướng tới sự phát triển lâu dài và bền vững.
Việc áp thuế hay không và bao nhiêu phụ thuộc kết quả điều tra của cơ quan chức năng.
Song, từ sau quyết định của Bộ Công thương, thị trường ghi nhận sự tăng vọt trong giá bán thép tại nhiều nhà máy.
Lãnh đạo tại một doanh nghiệp thép (đơn vị đã phản đối biện pháp tự vệ) cho biết, nhu cầu thực đối với loại hàng hóa này chưa tăng nhưng với việc áp thuế tự vệ, các nhà phân phối, doanh nghiệp thương mại đã lấy hàng về để đầu cơ do dự báo rằng giá thép trong thời gian tới sẽ tăng lên.
Từ khi áp thuế đến nay, doanh nghiệp này đã 4, 5 lần tăng giá bán mà vẫn thiếu hàng để bán.
Mặc dù đã chuẩn bị hàng tồn kho từ khi có đề xuất áp thuế, nhưng doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự trong khoảng vài tháng, chờ đến tháng 10 năm nay – khi quyết định áp thuế hết hiệu lực.
Nói về tình hình này, ông Mai Văn Hà cho rằng có vẻ việc áp thuế tự vệ đã phần nào ảnh hưởng đến thị trường thép khi một số đại lý trung gian đầu cơ mua thép để tích trữ, gây ra tình trạng sốt ảo.
Thực tế thời gian qua, giá thép nhích lên là sự phục hồi nhẹ sau khi đã giảm giá quá sâu.
“Không nên gọi đó là sự tăng giá, mà chính xác hơn là sự phục hồi giá.” – ông Hà nói.
Theo Giám đốc của thép Hòa Phát, việc này có sự trùng lặp bởi vì Quyết định áp thuế tự vệ tạm thời được ban hành trong khoảng thời gian Trung Quốc công bố gói hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế khiến cho sự lạc quan tăng lên và giá các nguyên liệu như quặng, phế liệu, than đá đều tăng lên.
“Những điều này đã làm cho giá thép nhích lên. Tuy nhiên điều này đã thay đổi ngay khi hầu hết các doanh nghiệp thép lớn đưa ra cam kết không tăng giá vào chiều qua.
Thực tế các đại lý đã bắt đầu xả hàng và giá thép đang quay đầu giảm. Thị trường sẽ nhanh chóng ổn định trở lại trong tuần tới.” – ông Mai Văn Hà khẳng định.
Ông Hà cũng cho biết, giá bán thép tại Hòa Phát lên xuống bình thường theo cung cầu thị trường. Đơn vị này “có tăng nhưng tăng rất ít, phần nào bù đắp giá nguyên liệu đầu vào tăng cao”.
Nếu vậy, việc tăng giá chậm hơn doanh nghiệp khác có giúp Hòa Phát tăng thị phần?
Theo ông Hà, thị phần doanh nghiệp có được là do công suất sản xuất. Hiện nay công suất của Hòa Phát đang ổn định.
“Chúng tôi sẽ cố gắng tăng công suất đẩy mạnh sản xuất nếu điều kiện cho phép.
Với điều kiện công suất hiện tại, chúng tôi chỉ có thể cố gắng cung cấp sản lượng như vậy cho thị trường và tham gia bình ổn giá ở một mức độ nào đó.”
Lãnh đạo tại doanh nghiệp thép đã phản đối biện pháp tự vệ nói trên cũng cho hay, trong ngắn hạn thì dù tăng giá chậm hơn nhưng Hòa Phát chưa thể chiếm thị phần của doanh nghiệp khác bởi vì việc tiêu thụ mặt hàng này không chỉ phụ thuộc vào giá bán mà phụ thuộc nhiều vào thương hiệu, thói quen tiêu dùng tại thị trường vùng miền, phụ thuộc hệ thống phân phối…