Thời điểm hiện tại, giá gà tại các chợ lớn của Hà Nội như: Chợ Gia Lâm, chợ Hôm, chợ Thành Công… đã tăng bình quân khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Như giá gà ta lông tăng từ 135.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp từ mức 35 - 40.000 đồng/kg tăng lên 65.000 đồng/kg.
Với gà Bắc Giang, từ đầu tháng 12, sau khi hay tin Hà Nội đặt hàng cho người dân, giá gà nuôi ở đấy đã tăng lên gấp đôi so với trước, trung bình ở mức khoảng 70.000 đồng/kg, có chợ tiểu thương hét giá lên tới 110.000/kg.
Không biết cơ quan chức năng đã lo lắng cho người dân thế nào, đảm bảo gà sạch cho người dân ăn ra sao nhưng trước mắt, người dân Thủ đô đang phải chịu tác hại kép.
Thứ nhất, họ phải bỏ gấp đôi tiền để có gà ăn, trong khi nếu không có việc ký kết tờ giao kèo giữa Hà Nội và Bắc Giang, có lẽ người dân Hà Nội vẫn được ăn gà Bắc Giang giá phải chăng thêm một thời gian nữa.
Thứ hai, dù đã bỏ số tiền gấp đôi, có thể gọi là ăn gà đắt, nhưng thực chất đó có phải là gà nuôi tại Yên Thế thật hay không, chất lượng thế nào, tiêu chuẩn ra sao… vẫn là những câu hỏi chưa biết tìm ai trả lời. Trong khi chờ đợi, đành chấp nhận ăn gà giá đắt và tự mình động viên mình “trả nhiều tiền vậy chắc sẽ được dịch vụ tốt”.
Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó giám đốc Công ty TNHH chế biến thịt gia súc, gia cầm Minh Hiền cho hay, do không lường trước được sự nguy hiểm của gà thải loại Trung Quốc, nên gà được nhập tràn lan vào trong nước với giá rẻ, khiến gà nuôi trong nước không bán được vì giá cao, người chăn nuôi điêu đứng, phá sản.
Còn ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, nguồn cung thịt gia súc, gia cầm đầy đủ, ổn định cho thị trường, sẽ không thiếu thịt gia cầm trong dịp Tết.
Nhưng đấy là dịp Tết, còn hiện tại, người dân vẫn phải ăn gà đắt thêm một thời gian nữa (chưa biết bao giờ mới giảm), khi chăn nuôi trong nước chưa kịp tái đàn.
Khi thị trường có biến động, người ta mới nhận ra, ngành chăn nuôi lâu nay ít được các cơ quan chức năng quan tâm, phần lớn theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ đã thật sự tiêu điều, nhiều cơ sở chăn nuôi phá sản trước cơn sóng gà thải loại từ Trung Quốc không được kiểm soát ồ ạt về các tỉnh phía Bắc.
Khi dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng mới bắt đầu vào cuộc kiểm soát gà thải Trung Quốc, lúc này thì chăn nuôi trong nước đã tiêu điều từ lâu. Vậy là, người dân lãnh đủ.