Theo điều tra của PV, thời gian qua, ở một số địa phương phía Bắc như Hưng Yên, khu vực ngoại thành Hà Nội, Bắc Giang…, thay vì để những nải chuối, đu đủ chín tự nhiên hoặc bằng các cách giấm thông thường như dùng hương nén, ủ... người dân lại sử dụng một loại thuốc thúc chin nhiều lại trái cây không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Loại thuốc này có dạng nước được đựng trong các lọ nhựa nhỏ. Theo những người bán lẻ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật ở khu vực Văn Giang, Khoái Châu (Hưng Yên) và Thường Tín (Hà Nội) tiết lộ, thì loại thuốc nước này có hai màu vàng và trắng đục.
Loại thuốc thúc chín trái cây lạ đang được nông dân ở một số địa phương sử dụng |
"Trước đây, người ta dùng hương để giấm chuối, đu đủ nhưng giấm bằng cái đó không đẹp, xấu lắm. Giờ dùng thuốc này giấm nó nó có màu sắc đẹp hơn. Chỉ cần nhỏ vài giọt vào phần cuống là xong mà dùng được cho nhiều loại, kể cả cà chua hay hồng, dứa…, giá lại rẻ hơn nhiều. Tùy theo người ta muốn màu sắc, quả như có thể cho lượng thuốc nhiều ít khác nhau", một người bán thuốc bảo vệ thực vật lẻ ở khu vực Đại Tập (Khoái Châu, Hưng Yên) giới thiệu.
Còn theo một người buôn chuối ở khu vực Thường Tín (Hà Nội), chuyên đổ chuối vào nội thành Hà Nội cho hay, chỉ cần một vài giọt thuốc này nhỏ vào đầu nải chuối hoặc núm đu đủ và sau đó ủ vào túi ni - lông, chỉ sau 1 - 2 ngày sẽ cho nải chuối óng vàng đẹp.
Tìm hiểu của PV tại các địa phương này cũng cho thấy thực tế, việc mua loại thuốc này cũng rất đơn giản với giá chỉ từ 1.500 - 2.000 đồng/lọ. Còn mua cả hộp gồm 20 lọ giá từ 28.000 – 35.000 đồng.
Tra trong bảng danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành tại Việt Nam được Bộ NN và PTNT ban hành vào năm 2010 thì hoàn toàn không có tên loại thuốc "Thúc chín tố" này.
Loại thuốc lạ này được giới thiệu có thể dùng để giấm chín chuối, đu đủ, cà chua, hồng, dứa... chỉ trong vòng 1 - 2 ngày và có màu sắc rất đẹp. |
Còn theo đại diện của Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) khi trao đổi với PV bày tỏ, chúng ta chưa biết rõ trong thuốc sử dụng đó có những chất nào gây độc hại vì thuốc này chưa được khảo nghiệm và đăng ký ở Việt Nam.
"Đồng thời, loại thuốc này không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt nên nó nếu sử dụng không đúng liều lượng nồng độ sẽ gây ra nguy cơ mất an toàn cho chính người sử dụng và người tiêu dùng Việt. Vì thế, chúng ta cần phải tuyên truyền và có biện pháp mạnh tay hơn để người dân không mua và sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, độc hại ra sao như thế này”, ông này nhấn mạnh.