Như vậy, từ nay đến năm 2015, giá điện tới tay người tiêu dùng có thể tăng tối đa 22%. Tăng giá điện là điều khó tránh, song nhiều ý kiến cho rằng: Với cách hành xử của ngành điện thời gian qua, sẽ không nhận được sự đồng tình từ dư luận xã hội.
Giá điện có thể tăng 21%
Theo Quyết định số 2165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.437 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 1.835 đồng/kWh.
Hiện, giá bán điện bình quân là 1.437 đồng/kwh, như vậy so với mức giá bán lẻ điện tối đa thì giá điện trong 2 năm tới có thể tăng tối đa khoảng 22%. Với khung giá bán điện này thì 2 năm nữa giá bán điện tới tay người tiêu dùng sẽ tăng thêm gần 500 đồng/kwh, từ mức 2.420 đồng/kwh lên trên 2.900 đồng/kwh.
Với Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ, ngành điện dường như đã được "mở cửa” cho những dự định sẽ tăng giá điện của mình. Và do đó, hoàn toàn có thể hiểu rằng, giá điện trước sau gì cũng sẽ được điều chỉnh tăng.
Việc tăng giá điện là điều không thể tránh khỏi, bởi nói như Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong một chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” của Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hồi tháng 8 vừa qua, nếu không tăng giá điện, tình hình tài chính của ngành điện lại càng khó khăn, tiếp tục lỗ và sẽ không vay được vốn đầu tư của các ngân hàng kể cả với các công trình điện.
Điều này cũng có thể hiểu rằng, nếu giá điện vẫn tiếp tục bị ghìm, thì ngành điện sẽ gặp khó và đương nhiên sẽ có nhiều ảnh hưởng đối với nền kinh tế.
Dù sao cũng không thể phủ nhận việc cần thiết phải tăng giá điện bởi nhiều lý do. Lý do thấy rõ nhất đó là, tăng giá điện đương nhiên sẽ tạo sức ép không nhỏ đến các DN. Và chính sức ép đó sẽ tạo ra áp lực đòi hỏi các DN phải tính toán kỹ hơn đến bài toán đầu tư để ngừng sử dụng những thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, sử dụng lãng phí điện năng, nhằm hạn chế tình trạng giá thành bị đội lên.
Tuy nhiên, đối với lý do mà "nhà đèn” vẫn thường bám vào "để lấy tiền đầu tư” thì rõ ràng, ở đây có những bất hợp lý. Bởi nói như chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, khi đã xã hội hóa ngành điện, tức là phải kêu gọi đầu tư chứ không thể tăng giá điện rồi lấy tiền đó đi đầu tư theo kiểu độc quyền.
Hành xử khó cảm thông
Bên cạnh đó, dư luận cũng đã không ít lần phải lên tiếng về sự minh bạch các yếu tố cấu thành giá điện cũng như những bất ổn trong điều hành của ngành điện suốt thời gian qua. Đối với một thị trường được coi là cạnh tranh, thì sẽ không có chuyện tồn tại yếu tố độc quyền. Vậy nhưng, ở ngành điện thì sao?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn "một mình một chợ”, mang tiếng là đã có thị trường phát điện cạnh tranh song, suốt hơn một năm qua, tính từ thời điểm thị trường phát điện cạnh tranh chính thức đi vào hoạt động (1-7-2012), người ta vẫn chỉ nhìn thấy toàn… người nhà của EVN: Từ các nhà máy phát điện, phân phối đến truyền tải điện. Chỉ riêng với thị trường này thôi đã đủ thấy tính độc quyền của ngành điện. Vậy đến bao giờ mới có sự cạnh tranh ở đây?
Còn một sự vụ không thể không nhắc đến ở đây, đó là những bê bối của ngành điện khi bị Thanh tra Chính phủ "vạch trần” sự thật về việc đầu tư hơn 600 tỷ đồng vào xây dựng nhà ở cho cán bộ, xây sân tennis, bể bơi… Và điều đó cũng đặt ra nhiều nghi vấn rằng, tất cả những chi phí để cán bộ ngành điện hưởng thụ đều được hạch toán vào giá điện.
Cho dù, sự thật ra sao vẫn đang còn phải chờ kết luận của Chính phủ, song liên tiếp những bê bối của ngành điện thời gian qua đã khiến mọi niềm tin của người dân đối với ngành này hoàn toàn sụp đổ.