Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) ước tính giá trị của hàng giả năm 2008 là 650 tỷ USD. Lượng thuế thất thoát và chi phí an sinh xã hội đội thêm 125 tỷ USD, chỉ riêng tại các nước phát triển. Số việc làm bị cắt giảm vì hàng giả cũng lên tới 2,5 triệu.
Năm 2015, ICC ước tính giá trị hàng giả trên toàn thế giới sẽ vượt 1.700 tỷ USD, tương đương 2% GDP toàn cầu. Ông Jeffrey Hardy - Giám đốc chương trình phòng chống hàng giả tại ICC cho biết: "Ngành công nghiệp này đang bùng nổ, vượt xa việc tải nhạc trái phép hay làm giả túi Gucci trước đây".
Lượng thuốc giả trên toàn cầu đang ngày càng tăng. Ảnh:CNN
Mức tăng trưởng của hàng giả thậm chí còn bắt nhịp với kinh tế toàn cầu. Khi hoạt động thuê nhân lực ngoài (outsourcing) dần phổ biến, thì tỷ lệ tham nhũng và lừa đảo trong sản xuất càng tăng cao. Các nước như Ấn Độ và Trung Quốc thậm chí còn có những nhà máy rất tinh vi và hiện đại để làm giả hàng hóa.
Quần áo và thời trang vẫn là loại hàng hóa được làm giả nhiều nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hàng giả trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, hóa chất và dược phẩm cũng ngày càng tăng lên.
Theo báo cáo của Đại học Florida (Mỹ), 25% thuốc trừ sâu ở châu Âu là hàng giả, phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc. Thuốc trừ sâu giả không chỉ vi phạm luật sở hữu trí tuệ, gây thất thoát cho các công ty đã tiêu tốn hàng tỷ USD vào nghiên cứu, mà còn làm hại sức khỏe người dùng.
Liên hợp quốc cũng cho biết thuốc giả có thể gây tử vong cho người bệnh, hoặc khiến họ không thể hấp thụ một số thuốc hợp pháp khác. Ông Ted Leggett, nhà nghiên cứu tại Văn phòng Dược phẩm và Tội phạm của Liên hợp quốc cho biết: "Năm 2010, sốt rét đã giết chết hơn nửa triệu người. Bệnh này toàn toàn có thể chữa được nếu họ được tiếp cận thuốc thật".
Theo ông Leggett, người dân sẽ khó lòng từ bỏ những
việc như mua đầu DVD nhái hay tải nhạc trái phép. Tuy nhiên, khi hàng
giả đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, thì ý thức
của họ cũng sẽ dần được nâng cao.