"Ham xác chết", đại gia sa lầy thâu tóm doanh nghiệp

Trong vài năm gần đây, nhiều đại gia tranh thủ lúc TTCK đi xuống để thực hiện hoạt động mua bán-sáp nhập (M&A). Tuy nhiên, không ít “ông lớn” đã sa lầy vào các thương vụ này.

CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà - Sudico (SJS) vừa giải trình kết quả kinh doanh và phương hướng khắc phục tình trạng thua lỗ khủng trong hai năm liên tiếp vừa qua.

Theo đó, SJS cho rằng, khối lượng tài sản rất lớn là các BĐS đã đủ điều kiện kinh doanh của công ty, bao gồm: Dự án Nam An Khánh, Văn La - Văn Khê, Khách sạn Sông Đà - Hạ Long... và công ty đã chủ động trích lập dự phòng gần 150 tỷ đồng cho các khoản đầu tư vào một số dự án.

Cũng theo giải trình (để nhằm thoát khỏi tình cảnh cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch), SJS dự tính sẽ có lãi trở lại trong năm 2013 và một trong các phương án được đưa ra là rao bán bớt đất tại dự án nổi đình đám Nam An Khánh.

Thời gian qua, DN liên tục gặp nhiều khó khăn, cổ phiếu đã giảm giá rất mạnh từ gần 25.000 đồng (giữa tháng 2/2013) xuống còn 17.400 đồng/cp vào ngày cuối cùng trước khi bị tạm ngừng giao dịch vào ngày 3/4/2013.

Nhìn vào mức giá hiện tại, có lẽ nhiều nhà đầu tư giờ mới hiểu tại sao ông Đỗ Văn Bình, Phó Chủ tịch HĐQT Sudico, trước đó vài tháng đã phải đăng ký bán ra cắt lỗ phần nào khoản đầu tư vào doanh nghiệp này.

Trước đó, ông Đỗ Văn Bình nổi như cồn trên TTCK với thương vụ đổ vài trăm tỷ vào "nắm" SJS. Thương vụ mua bán này đã khiến nhiều người hình dung về viễn cảnh một đại gia giàu có từng hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực tung tiền ra thâu tóm một trong những doanh nghiệp có diện tích đất đẹp và rộng lớn ở nhiều nơi.

Nhiều nhà đầu tư từng nghĩ rằng ông Bình có thể sẽ vớ bẫm nếu thị trường BĐS phục hồi trở lại. Điều này cũng hợp lý bởi thực tế cho thấy Sudico từng là một cổ phiếu rất "hot" trên thị trường với mức giá đỉnh điểm lên tới 700.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, ngoài những mâu thuẫn nội bộ kéo dài, sự bất động của thị trường BĐS có lẽ đã khiến doanh nghiệp này tồn kho quá nhiều, vay ngân hàng lớn và thua lỗ là không tránh khỏi.

Sau cú bán 2,8 triệu cổ phiếu SJS vào ngày 1/3 thông qua hình thức thỏa thuận (khi đó giá SJS trên sàn là 21.300 đồng/cp), ông Bình còn nắm giữ 15,8 triệu đơn vị, tương đương 15,8%. Với mức giá 17.400 đồng/cp như hiện nay, và so với mức giá khoảng 30.000-35.000 đồng/cp thời điểm ông này mua vào, khoản lỗ của đại gia này đã lên tới khoảng 50%, trị giá vài trăm tỷ đồng.

‘Ham xác chết’, đại gia sa lầy thâu tóm DN
 

Một trường hợp đầu tư thất bát khác là của một doanh nhân đam mê bóng đá và chứng khoán. Nguyễn Đức Thụy.

Ông Bầu Thụy trong tháng vừa qua đã bán hết gần 24,5 triệu cổ phiếu chứng khoán, tương đương 81,5% cổ phần sau hơn một năm mua lại số cổ phiếu này từ một đại gia khác.

Cú thoái vốn của doanh nhân trẻ tuổi này đầy quyết đoán sau khi doanh nghiệp bị thâu tóm báo lỗ hơn 50 tỷ đồng trong năm vừa qua, trái ngược hoàn toàn với mục tiêu lãi gần 40 tỷ đặt ra. Sự tháo chạy khỏi chứng khoán này cho thấy kỳ vọng vào lĩnh vực này đã không còn và thể hiện sự mệt mỏi sau hơn một năm theo đuổi.

Không thiếu những thất bại

Trước đó, giới đầu tư không thể bỏ quan thất bại của vụ thâu tóm Công ty CP Nước giải khát Sài Gòn (Tribeco) của Tập đoàn Kinh Đô, dù lãnh đạo Tập đoàn Kinh Đô đã từng lên tiếng "mua DN là phải biết cách làm sao để phát triển DN đó" và dự kiến doanh số của Tribeco sẽ tăng 30% và sau 3 năm sẽ lên 100%. Nhưng kết quả Tribeco thua lỗ triền miên và cuối cùng Kinh Đô đã chấp nhập lỗ để thoái lui.

Ly kỳ hơn, trên thị trường chứng khoán hẳn chưa thể quên câu chuyện phá sản và đi tù vì làm giá chứng khoán để thẩu tóm DN của ông Lê Văn Dũng - Giám đốc Công ty dược Viễn Đông.

Trước đó, với âm mưu thâu tóm Dược Hà Tây, nhóm cổ đông từ Dược Viễn Đông đã dùng nhiều biện pháp làm giá, mua gom cổ phiếu Dược Hà Tây nhằm thâu tóm DN này. Tuy nhiên, họ đã vấp phải phản kháng mạnh mẽ từ Dược Hà Tây.

Những hành động phạm luật của nhóm dược Viễn Đông bị lật tẩy, ông Dũng và nhóm cổ đông đã bị bắt và kết án 4 năm tù. Công ty dược Viễn Đông gần như phá sản khi đối mặt với nhiều khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác nảy sinh khi giá cổ phiếu đi xuống trong khi mục tiêu thâu tóm không thành.

Trước đó, giới đầu tư cũng đã chứng kiến rất nhiều thương vụ M&A mà người đi thâu tóm bị sa lầy như: Thương vụ một doanh nghiệp bánh kẹo đầu tư vào doanh nghiệp thực phẩm; một đơn vị xây dựng đầu tư gần 100 tỷ vào doanh nghiệp BĐS...

Thực tế cho thấy M&A là cách thức giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng tái cấu trúc. Tuy nhiên, đây không phải là phương thuốc thần kỳ có thể giúp được tất cả các doanh nghiệp này. Chính vì vậy, ngay cả những người bỏ tiền ra thực hiện các thương vụ này cũng rơi vào hoàn cảnh bi đát, lắm lúc tiến thoái lưỡng nan.

Gần đây, nhiều đại gia trong một số lĩnh vực như ngân hàng, hàng tiêu dùng, BĐS... đã tiến hành hàng loạt các vụ M&A đình đám. Với những ông lớn này, đường hướng phát triển của họ rất rõ ràng. Họ luôn bám sát hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình và chỉ mua những công ty phù hợp. Với các doanh nghiệp khác, họ sẵn sàng nói không cho dù tài sản được chào bán ở mức giá rẻ.

Các doanh nghiệp này tập trung phát triển sâu lĩnh vực hoạt động của mình và thông thường không có ý định thâu tóm tràn lan. Họ tranh thủ lúc thị trường trầm lắng để thực hiện các vụ M&A phục vụ mục đích của mình. Đây là những bài học giúp các đại gia lắm tiền nhiều của định hình lại chiến lược M&A của mình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại