Bì heo hôi thối sau khi được ngâm qua đêm, cho vào máy giặt quay thành bì trắng tinh, khô ráo... Những thành phẩm sau đó được phân phối khắp các chợ, quán ăn còn chính quyền địa phương... bó tay. sự kiện
Cận cảnh lò sản xuất
Chiếc xe máy cà tàng có biển số móp méo không nhìn rõ số chở hai giỏ cần xé da, mỡ heo bốc mùi hôi thối rẽ nhanh vào hẻm 385 đường Hậu Giang (P.11, Q.6, TP.HCM). Mỗi ngày có hàng chục chuyến xe máy chở da, mỡ heo thối từ các chợ nhỏ lẻ đổ về khu đình Phú Hòa, Hậu Giang, Q.6 để "hô biến" thành da phồng, mỡ nước, tóp mỡ, bì heo.
Phát hiện có người lạ theo dõi, người đàn ông liên tục quay lại nhìn, cảnh giác cao độ. Bám theo những chiếc xe máy này, chúng tôi đã xâm nhập các lò sản xuất bì heo, tóp mỡ ở ba hẻm 365, 385, 405 đường Hậu Giang. Tập trung nhiều nhất ở hẻm 365 với hơn chục hộ chế biến da, mỡ heo.
Trong căn phòng chật chội khoảng 10m2 tại hẻm 405, một đống da heo bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đen. Từ da cho đến mỡ heo trước khi chế biến đều không được rửa lại bằng nước sạch. Một người đàn ông mình trần, chân đất, người nhầy nhụa mồ hôi ngồi chồm hổm, dùng dao cạo lớp mỡ bên trong những miếng da heo. Cả mỡ lẫn da sau khi cạo xong, họ vứt ngay xuống sàn nhà.
Ở căn nhà đối diện, ba người phụ nữ chân đất, tay trần cũng đang hì hục ngồi cạo mỡ từ da heo. Trong góc nhà, hai cái chảo lớn đun mỡ đang sôi. Chốc chốc người đàn ông bưng bao gỗ vụn đổ vào hai bếp lò và dùng đoạn gỗ cáu bẩn khuấy vào chảo mỡ. Chờ lớp mỡ trong chảo tan dần, người đàn ông cho "gia vị" vào khuấy đều rồi vớt tóp mỡ ra, bỏ vào hai cái máy ép đặt bên cạnh. Chỉ vài phút, những tóp mỡ rời rạc được nén lại thành từng mảng lớn..
Nghe chúng tôi cần mua hàng về bán quán nhậu, một phụ nữ nhanh nhảu đưa cho chúng tôi xem hai miếng tóp mỡ dẻo đã được nén thành những bánh lớn như tấm thớt, hình tròn. Dù đã được chiên, ép nhưng bánh tóp mỡ vẫn bốc mùi hôi, lông heo dính chi chít.
Bẻ một miếng nhỏ đưa chúng tôi, người phụ nữ ấy tươi cười giới thiệu: "Mấy ông nhậu khoái món tóp mỡ chấm muối tiêu chanh này lắm. Xé nhỏ, bỏ vào lẩu hay hủ tíu cũng ngon. Có hai loại 60.000 đồng/kg và 25.000 đồng/kg, mua về bán thì lấy loại giá thấp mới lời nhiều".
Ngoài hẻm, những can mỡ đen sì nằm ngổn ngang. Số mỡ nước này được bán cho các chợ, quán ăn và hàng rong với giá 18.000 đồng/kg. Hai thanh niên vừa rót mỡ vào can vừa nói: "Mỡ này giá rẻ, dùng tiết kiệm hơn dầu ăn nên khách mối từ dân tỉnh đến người trong thành phố khá đông, chủ yếu là quán ăn". Quan sát, chúng tôi nhận thấy, mỡ "thành phẩm" có màu đồng nhất khá bắt mắt, nếu không chứng kiến "quy trình sản xuất" khó ai biết được đó là mỡ bẩn.
Tiếp đến, chúng tôi đến căn nhà số 405/61/25 Hậu Giang, P.11, Q.6 - nơi chuyên làm bì heo bỏ sỉ cho các chợ, quán ăn. Dù chúng tôi nói cần mua số lượng nhiều, nhưng với sự cảnh giác cao, bà chủ nhà tìm mọi cách ngăn không cho chúng tôi vào bên trong, dọa "có chó dữ". "Mua bì xả rồi hay chưa xả?", thấy chúng tôi ngần ngừ, bà này chỉ vào đống da heo đã được bào mỏng thành từng sợi, chất đầy hai thau nhôm: "Cái đó chưa xả, giá rẻ hơn chút đỉnh, màu không đẹp lắm. Lấy loại xả rồi vừa thơm, vừa trắng". Chọn mua "bì xả", chúng tôi nhanh chân bước theo chủ nhà thì thấy bì heo được lôi từ... máy giặt, trắng tinh, không mùi. Cạnh máy giặt là một xô da heo ngâm trong thùng nước đục lờ nhờ. Trước hiên nhà, vẫn là da heo đổ đống.
Món da phồng cũng được chế biến nhiều ở khu vực này. Từ 19g, các mối khắp nơi đổ về "lò sản xuất" chọn mua da phồng. Loại nguyên miếng, giá 70.000 đồng/ký, loại vụn giá 35.000 đồng/ký. Chị hàng nước cạnh đó cho biết: "Da heo sau khi ngâm qua nước tẩy hết màu mốc xanh và mùi hôi thối sẽ được nướng trên than vụn. Những lò này thường làm ban đêm và chở hàng đi cung cấp ngay, muốn mua số lượng nhiều thường phải đặt hàng trước". Chúng tôi được dẫn vào lò và chứng kiến da heo sau khi nướng phồng được đổ đầy sàn nhà, hai người phụ nữ đang thoăn thoắt lựa da bỏ vào túi ni lông, loại 0,5-1kg/túi. Từ những miếng da heo mốc xanh, mốc đen, sau khi nướng trở nên giòn, trắng tinh.
Không quản được thì... buông?
Theo quy định, chính quyền địa phương có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nằm trên địa bàn. Được biết, trên địa bàn P.11, Q.6, TP.HCM có 32 cơ sở chế biến sản phẩm từ da heo, mỡ heo đang hoạt động. Điều đáng nói, tất cả cơ sở này đều không có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động mà không ai kiểm tra.
Ông Lê Văn Sơn - Phó chủ tịch UBND P.11, Q.6, TP.HCM giải thích: những cơ sở chế biến da, mỡ heo trên địa bàn đã có từ lâu nhưng không thể được cấp phép hoạt động vì hầu hết đều không đủ điều kiện sản xuất và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. "Phương án di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi thành phố cũng đã được tính đến, nhưng khó khăn là họ không có vốn nhiều. Đề nghị ngưng hoạt động, lập biên bản xử phạt thì dễ nhưng ảnh hưởng đến ngành nghề, cuộc sống của họ và những người làm công", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, qua phản ánh của người dân, phường đã phối hợp với Phòng Tài nguyên môi trường của quận lấy mẫu nước thải từ một số hộ kiểm nghiệm, kết quả không đạt và đã ra quyết định xử phạt 26 triệu đồng. Nhiều lần phường mời các hộ lên làm việc, yêu cầu nộp phạt nhưng cơ sở vi phạm vẫn... chưa chấp hành.
Ngoài gây ô nhiễm môi trường, vấn đề đáng quan tâm là việc sản xuất, chế biến da, mỡ heo rất mất vệ sinh, thành phẩm không an toàn, đe dọa sức khỏe cộng đồng, nhưng chưa được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức; thiếu kiểm tra, kiểm soát, xử lý, răn đe nên tình trạng này vẫn liên tục tái diễn.
Chính ông Sơn cũng nói: "Tôi đã từng thấy họ làm và không dám ăn". Chính quyền biết rõ các hộ sản xuất da, mỡ heo không đảm bảo vệ sinh nhưng không xử lý, còn cho rằng: "các hộ này vẫn đóng thuế vì có lợi nhuận" (!?). Khi được hỏi các cơ sở chỉ cần đóng thuế đầy đủ là có thể ngang nhiên hoạt động? Ông Sơn khẳng định: "Chúng tôi sẽ nhanh chóng rà soát và thông báo công khai kết quả kiểm tra, xử lý những cơ sở này".
Xem thêm clip: Đột nhập làng làm miến bẩn