Số liệu tại Hội nghị thông tin Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam – Lào diễn ra ngày 18/8 tại Nghệ An cho biết tới nay có khoảng 13.500 lao động Việt Nam làm việc tại Lào, chủ yếu đi theo các dự án hợp tác đầu tư, dự án nhận thầu công trình, dự án hợp tác giữa các địa phương có chung đường biên giới.
Theo Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL), trong số hơn 13.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Lào, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai có 6.900 lao động, tập đoàn Cao Su có gần 1.000 lao động, tập đoàn Sông Đà có khoảng 600 lao động…
Hoàng Anh Gia Lai là một trong những đơn vị tuyển dụng nhiều lao động Việt Nam làm việc tại Lào - Ảnh minh hoạ: Lê Hoàng Vũ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), ngoài chế độ tiền lương, lao động Việt Nam làm việc tại Lào còn được hưởng chế độ phụ cấp, hỗ trợ xa tổ quốc. Do đó, mức thu nhập bình quân đối với lao động phổ thông Việt Nam làm việc tại Lào đạt khoảng 250 đôla/tháng; lao động kỹ thuật khoảng 500 đô la Mỹ/tháng. Ngoài ra, người lao động cũng được thực hiện đầy đủ các chế độ về BHXH, BHYT, BHTN, chế độ nghỉ phép, lễ tết theo quy định của Việt Nam và Lào.
Bên cạnh số lao động Việt Nam đi làm việc tại Lào theo các kênh chính thống, còn một số lượng lớn lao động Việt Nam đi làm việc tự do tại Lào theo con đường tiểu ngạch, trong đó chủ yếu là lao động của các tỉnh có chung đường biên giới với Lào như Nghệ An, Hà Tĩnh.
Theo ông Lê Xuân Đại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, những năm gần đây, mỗi năm Nghệ An có từ 5.000 – 6.000 lao động tự do đi làm việc tại Lào, chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác, nông nghiệp, buôn bán nhỏ và các lĩnh vực khác. Thu nhập bình quân của những lao động này đạt khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số lao động có việc làm ổn định, mang tính lâu dài chỉ chiếm khoảng 30%; số lao động còn lại làm việc chủ yếu mang tính mùa vụ.