Cho đến thời điểm này, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức vẫn đang phải đối mặt với những cáo buộc và chỉ trích từ Global Witness.
Vốn dĩ, trước đó sự việc đã được khởi xướng từ bản báo cáo có tên Các ông trùm cao su (Rubber Barrons) công bố hồi khoảng đầu tháng 5 của Global Witness. Mục tiêu chính của báo cáo này có vẻ như nhằm vào Deutsche Bank và IFC, tổ chức thuộc Ngân hàng thế giới, là những tổ chức đã tài trợ cho HAGL nhiều hơn là nhằm riêng vào HAGL.
Cho dù thông cáo báo chí phát ra của HAGL phủ nhận toàn bộ những cáo buộc của Global Witness về việc chiếm đoạt đất đai, khai thác gỗ bất hợp pháp và các hành vi tham nhũng khác tại Lào và Campuchia, nhưng xoay quanh những tuyên bố cho tới nay của HAGL và những thông tin đưa ra trong các báo cáo tài chính, vẫn còn những độ vênh nhất định cần được làm rõ.
Về khoản tiền HAGL cho chính phủ Lào vay Trong báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2013 của HAGL xuất hiện khoản cho chính phủ Lào vay trị giá 186,5 tỷ đồng. Trả lời trên một tờ báo lớn, đại diện HAGL tại thời điểm đó cho biết đây là khoản đầu tư xây sân bay tại Lào.
Tuy nhiên trong tất cả các báo cáo của HAGL, đều không có thông tin chuyển khoản dư nợ này sang đầu tư xây 2 sân bay tại Lào, vốn đã lần lượt khởi công đầu tháng 2/2012 và đầu tháng 3/2013. Trong khi đó, theo các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2008 (*), khoản HAGL cho chính phủ Lào vay là khoản tài trợ không tính lãi để xây làng vận động viên SEA Games được tổ chức tại Lào năm 2009.
Cụ thể, HAGL cho chính phủ Lào vay 19,056 triệu USD kể từ cuối năm 2008, trong đó 4 triệu USD tài trợ không hoàn lại và 15,056 triệu USD không tính lãi suất. Tính tới thời điểm 31/3/2012, Chính phủ Lào còn nợ HAGL gần 9 triệu USD (tương ứng 186,5 tỷ đồng).
Trao đổi với Gafin, ông Võ Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc HAGL phụ trách tài chính, xác nhận đây là khoản tài trợ lũy kế còn lại mà HAGL hỗ trợ chính phủ Lào xây dựng khu nhà ở cho các vận động viên tham dự SEA Games tổ chức tại tại đây năm 2009. Ông Sơn cũng cho biết thêm, thông tin HAGL cho chính phủ Lào vay 186,5 tỷ đồng để đầu tư vào 2 dự án sân bay là nhầm lẫn do thông tin được đưa ra không phải từ đại diện phát ngôn chính thức của HAGL. HAGL có nhận gỗ từ chính phủ Lào?
Theo trả lời của ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HAGL tại buổi chia sẻ thông tin đầu tư của HAGL vào Lào và Campuchia tổ chức chiều 18/5, ông Đức bác bỏ chi tiết 300.000 m3 gỗ mà Global Witness cho rằng Chính phủ Lào dùng để cấn trừ khoản nợ 19 triệu USD. Ông Đức chia sẻ đúng là HAGL đã được Chính Phủ Lào đề nghị dùng gỗ trừ nợ nhưng HAGL không đồng ý và chỉ nhận tiền mặt.
Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên năm 2010 trang 22, trong phần sản xuất gỗ và đá , HAGL cho biết: "HAGL có nguồn gỗ rất lớn tại Nam Lào (gần tỉnh Kon Tum) với khoảng 300.000 m3 gỗ tròn các loại. Đây là nguồn gỗ từ cánh đồng khai hoang trồng cao su mà chính phủ Lào cấp cho HAGL bằng hạn ngạch gỗ trong 3 năm với giá trị 15 triệu USD mà chính phủ Lào vay của HAGL để đầu tư xây dựng làng SEA Games tại Viên Chăn".
Đồng thời, báo cáo tài chính từ kiểm toán của HAGL năm 2011 và 2012 trong mục "Đầu tư tài chính dài hạn" ghi nhận khoản nhận gỗ từ chính phủ Lào tương ứng giá trị 874.121 USD. Trong đó, năm 2011 nhận 777.644 USD và năm 2012 nhận 96.477 USD.
Giải thích rõ hơn thông tin trên, ông Sơn cho biết, số gỗ HAGL đã nhận là nguồn gỗ tạp tận thu từ việc khai hoang khu rừng nghèo trồng cao su từ chính phủ Lào. HAGL đã sử dụng để xây dựng 2.000 nhà tái định cư cho người dân Lào, xây dựng trường học, bệnh viện 200 giường và nhiều công trình vì cộng đồng tại tỉnh Attapeu.
Trao đổi thêm với Gafin về việc các công trình của HAGL tại Attapeu được hoàn thành vào năm 2011 trong khi năm 2012, Công ty vẫn ghi nhận khoản nhận gỗ từ Chính phủ Lào, ông Sơn giải thích: "Phần gỗ HAGL nhận thực tế ngoài rừng và sau đó có biên bản kiểm tra đánh giá. Tại thời điểm nhận gỗ, các đơn vị của HAGL sẽ dùng gỗ đó để xây dựng các công trình. Phần tính toán giá giá trị để hạch toán trừ nợ sẽ được tính toán sau và khoản này thu chủ yếu thu trong năm 2011. Tuy nhiên, tính toán của năm 2011 có một phần sai lệch. Vì vậy, khoản "nhận gỗ của năm 2012" thực tế là phần hạch toán lại của năm 2011".
Đại diện HAGL cũng nhấn mạnh, HAGL đã nhận định các rủi ro và bất lợi nếu nhận gỗ từ Chính phủ Lào để trừ nợ theo thỏa thuận trước đây. Vì vậy, HAGL đã làm việc với Chính phủ Lào để từ chối tiếp tục nhận gỗ. "Điều đó thể hiện rõ lý do vì sao ngoài các khoản nhận gỗ để xây nhà cho người dân Lào, xây trường học và bệnh viện thì không có thêm bất cứ khoản nào phát sinh thêm sau này", ông Sơn nói.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2008(*), ngày 4/4/2008, HAGL ký biên bản ghi nhớ với chính phủ Lào với nội dung tài trợ chính phủ Lào số tiền 14 triệu USD, trong đótài trợ không hoàn lại là 4 triệu USD và số tiền tài trợ còn lại dưới hình thức cho vay không có lãi suất.
Cũng theo báo cáo trên, sau đó vào ngày 10/11/2008, công ty lại ký kết thỏa thuận chính thức với chính phủ Lào theo một biên bản ghi nhớ tài trợ chính phủ Lào số tiền 19,056 triệu USD.
Khoản vay này bắt đầu được HAGL ghi nhận từ năm 2009 và Chính phủ Lào bắt đầu trả nợ vào năm 2011, thể hiện trong báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán từ năm 2009 tới 2012 (**).
Đến hết năm 2012, số tiền của Chính phủ Lào còn nợ HAGL là 8.958.949 USD (tương ứng186,5 tỷ đồng). Khoản nợ này được tính bằng USD và được hạch toán sang VND trong báo cáo tài chính.