Sáng 24/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng Hà Nội 2013. Báo cáo của NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, nguồn vốn huy động và tín dụng trên địa bàn đều tăng trưởng khá.
Tiền gửi VND tăng 21,27%
Đến 31/12/2012, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) Hà Nội 896.884 tỷ đồng tăng 9,13% so với 31/12/2011. Trong đó, nguồn vốn huy động thị trường I (từ dân cư và các tổ chức kinh tế) đạt 849.167 tỷ đồng, tăng 16,61% so với cuối năm 2011,trong đó tiền gửi VND và tiền gửi USD có tốc độ tăng tương ứng là 21,27% và 3,44%.
Nguồn tiền gửi VND chiếm tỷ trọng lớn 76,7%, nguồn tiền gửi ngoại tệ chiếm tỷ trọng 23,3% trong tổng nguồn vốn huy động thị trường I . Phát hành giấy tờ có giá (GTCG) đạt 47.717 tỷ đồng, giảm 48,96% so với cuối năm 2011.
Nguồn vốn huy động tăng đã đáp ứng tích cực cho hoạt động sản xuất kin doanh (SXKD) của các TCTD, nhu cầu vốn phát triển kinh tế xã hội và các nhu cầu đầu tư khác cũng như đảm bảo về thanh khoản và các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định.
Đến 31/12/2012 nguốn vốn huy động thị trường II (thị trường liên ngân hàng) là: 327.571 tỷ đồng, giảm 7,2% so với 31/12/2011.
Ngân hàng TMCP Quân đội là một trong những ngân hàng có nguồn vốn huy động và tăng dư nợ tín dụng tăng trưởng mạnh nhất. Tại Hội nghị, ông Lê Công , TGĐ Ngân hàng TMCP Quân đội cho biết, tại ngân hàng này, huy động vốn tăng trưởng mạnh tới 32% so với cuối năm 2011, dư nợ tín dụng tăng 27%.
Đại diện Ngân hàng TMCP Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng cho biết, tiền gửi dân cư tăng một phần do các kênh đầu tư khác kém khả quan trong thời điểm này, bên cạnh đó là những biện pháp quyết liệt của NHNN trong việc ổn định tỷ giá, nâng giá trị đồng VN, tâm lý thị trường khá ổn định, người dân có niềm tin hơn vào nội tệ.
Dư nợ tín dụng VND đạt 16,2%
Đến 31/12/2012, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn Hà Nội đạt 652.926 tỷ đồng, tăng 11,39% so với 31/12/2011 (cao hơn mức 8,91% của toàn ngành Ngân hàng). Trong đó dư nợ tín dụng VND có tốc độ tăng trưởng khá cao (16,2%), chiếm 72,83%; dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng 0,27%, chiếm 27,17%.
Dư nợ ngắn hạn chiếm 61%, tăng 10,26%, dư nợ trung dài hạn chiếm 39%, tăng 13,22% so với 31/12/2011. Điều này cho thấy, cơ cấu tín dụng đã dần phù hợp với nguồn vốn huy động của các TCTD chủ yếu là nguồn tiết kiệm ngắn hạn.
Tỷ trọng sử dụng vốn huy động để cho vay trong năm 2012 đạt 76,8%, trong đó tỷ lệ sử dụng nguồn vốn VND và ngoại tệ để cho vay lần lượt ở mức 73% và 89,7%, cho thấy năm 2012 nguồn ngoại tệ để cho vay khá lớn so với các năm trước.
Từ tháng 3/2012 đến cuối năm 2012, do thực hiện đồng bộ các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam đã thúc đẩy tín dụng cho vay nền kinh tế tại Hà Nội có xu hướng tăng, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực.
Tín dụng VND có tốc độ tăng trưởng khá cao (16,2%) trong khi dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng 0,27% so với cuối năm 2011, phù hợp với chủ trương hạn chế đô la hóa của Chính phủ.
Dư nợ tín dụng tập trung vào lĩnh vực SXKD, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Năm 2012, dư nợ tín dụng tăng mạnh vào tháng 6/2012 ( 4,38%), tháng 11/2012 ( 7,18%) và đến cuối năm 2012 ( 11,39%) so với cuối năm 2011.
Đến cuối năm 2012, dư nợ tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn chiếm 6,2% tổng dư nợ, tăng 14,3% so với cuối năm 2011; Tín dụng đối với xuất khẩu chiếm 10% tổng dư nợ, tăng khoảng 15%; Tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) chiếm 8,5% tổng dư nợ, tăng khoảng 9,5%; dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích giảm và chiếm tỷ trọng khoảng 15,36% so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế trên địa bàn. Riêng dư nợ cho vay các đối tượng chính sách xã hội tăng 9,25%; Dư nợ cho vay của QTDND cơ sở, đạt 4.144 tỷ đồng, tăng 310 tỷ đồng và tăng 8,08% so với 31/12/2011.
Tuy nhiên, hoạt động tín dụng vẫn gặp khó khăn, nợ xấu có xu hướng tăng cao, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng. Đến 31/12/2012 dư nợ thị trường liên ngân hàng (thị trường II) là: 303.001 tỷ đồng, tăng 76,4% so với 31/12/2011.
Thanh khoản cải thiện so với cuối năm 2011
Cũng theo báo cáo của NHNN thành phố Hà Nội, trong năm 2012, thanh khoản VND của các TCTD trên địa bàn được đảm bảo, có xu hướng được cải thiện so với cuối năm 2011. Thanh khoản ngoại tệ đương đối tốt. Các TCTD đã chú trọng hơn trong việc quản trị rủi ro thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống. Các TCTD tích cực cơ cấu lại tài sản có, tài sản nợ theo hướng hạn chế rủi ro.
Nhìn chung, các TCTD đảm bảo thanh khoản và khả năng chi trả ngay do số dư tiền gửi của TCTD tại NHNN luôn cao hơn so với nhu cầu dự trữ bắt buộc, huy động vốn vẫn tăng, lãi suất liên ngân hàng giảm 10-11% so với đầu năm, ổn định và ở mức thấp; không còn tình trạng căng thẳng về thanh khoản. Hầu hết các TCTD đảm bảo tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng.