Trong những chuyến thực tế đầu tháng 4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khá tự tin hé lộ sắp giảm lãi suất. Tuy nhiên, câu trả lời từ nhiều DN là lãi suất không còn rào cản lớn nhất đối với họ. Lãi suất có hạ nữa thì chưa chắc DN đã dám vay khi đầu ra bế tắc.
Sang tháng 5, NHNN quyết định giảm các lãi suất điều hành quan trọng, các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất. Một mặt bằng lãi suất mới đã được xác lập ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Tuy nhiên, khi lãi suất đã hạ sâu thì các chuyên gia, DN vốn rất kỳ vọng hạ lãi suất lại cho rằng, việc giảm lãi suất xuống là một bước đi phù hợp nhưng nhưng sẽ không có nhiều tác dụng khi các DN hoặc đã tê liệt, phá sản, hoặc nằm in chờ thời.
Vì thế, họ không có nhu cầu vay vốn. Tất nhiên, những DN không có nhu cầu thì vốn rẻ họ cũng không vay. Bên hành lang Quốc hội, những đại biểu là chuyên gia kinh tế kỳ cựucũng cho rằng, công cụ lãi suất không còn tác dụng. DN bế tắc, phá sản thì chả ai vay vốn. Còn những DN có nhu cầu vay vốn lại đang vướng vào nợ xấu, không đủ điều kiện tiếp cận vốn.
Trong khi đó, dù đánh giá cao nỗ lực giảm lãi suất nhanh và mạnh, bám sát diễn biến vĩ mô và lạm phát của NHNN nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo, NHNN cần thận trọng, không nên nóng vội hay vì bất cứ sức ép nào để "gắng" đẩy nhanh giảm lãi suất khi lạm phát tính theo năm vẫn còn cao, CPI có đi xuống nhưng chưa hẳn là xu hướng bền vững;nguy cơ lạm phát bùng trở lại còn cao.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu đặt hết kỳ vọng vào lãi suất hay chính sách tiền tệ để cứu DN là không ổn, tạo ra một sức ép quá lớn khiến chính sách tiền tệ sẽ bị lệch pha. Một lần nữa các chuyên gia nhấn, nhiệm vụ ưu tiên của chính sách tiền tệ là kiềm chế lạm phát và ổn định giá trị đồng tiền. Hơn nữa, để cứu DN, tăng trưởng kinh tế nếu chỉ có một mình giải pháp tiền tệ chẳng khác nào "chạy đua một chân".
Đi cùng với tiền tệ, các giải pháp tài khóa cũng đã được triển khai thông qua hoãn, giảm, giãn thuế cho DN. Tại Quốc hội cũng đã bàn việc giảm thuế TNDN xuống mức thấp hơn hiện hành. Tuy nhiên, theo nhiều DN thì miễn giảm thuế là cần thiết nhưng nó chỉ có ý nghĩa với những DN còn sản xuất kinh doanh và có lãi. Còn đa số các DN đang đình trệ, thậm chí ngấp nghé phá sản như hiện nay thì không có ý nghĩa.
Trong khi đó, việc trông chờ các giải pháp tài khóa mạnh tay hơn như gia tăng đầu tư và chi tiêu công là điều không thể vói tình hình ngân sách khá eo hẹp và càng nhạy cảm khi chúng ta đang phải xử lý rất nhiều vấn đề của một giai đoạn tăng đầu tư quá cao.
Một trong những vướng mắc lớn nhất khiên DN khó tiếp cận vốn hiện nay là nợ xấu dường như đã có nhiều hy vọng khi công ty VAMC đã được thành lập với nhiệm vụ chính là giải phóng DN, ngân hàng khỏi khối nợ xấu.
Tuy nhiên, VAMC không thể là một "cây đũa thần", VAMC mới được thông qua về mặt pháp lý và còn cần rất nhiều thời gian đề nó thể có hoạt động, hình thành và vận hành các cơ chế xử lý nợ xáu vốn phức tạp và nhạy cảm. Đó có thể là một khoảng thời gian rất dài trong khi tình hình của nhiều DN hiện lại đang cấp bách.
Hơn nữa, chính các NH và DN cũng biết rằng, không thể khoản nợ nào cũng được mua và xử lý một cách dễ dàng nên rào cản nợ xấu không thể sớm được dỡ bỏ một cách dễ dàng.
Trong khi đó, điều cần thiết nhất đối với các DN hiện nay là cơ hội kinh doanh, thi trường đầu ra đang bế tắc. Không có đầu ra, vốn rẻ DN cũng không vay, không nhìn thấy kế hoạch kinh doanh khả thi thì hồ sơ đẹp, tài sản thế chấp lớn cũng chưa chắc được NH chấp thuận.
Trong điều kiện đó, DN đang mong chờ nhiều vào các biện pháp kích cầu, các chương trình xúc tiến, hỗ trợ DN phát triển thị trường, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mang tính đột phá cho tình hình hiện nay.
Nhưng trên thực tế, ngoài chương trình 30 ngàn tỷ cho vay ưu đãi mua nhà mới ngập ngừng triển khai thì chưa thất một lời hứa, chương trình lớn nào để đẩy mạnh việc này. Dường như các DN vẫn đang tự bơi dù tình hình hiện nay được cho là khó khăn hơn nhiều giai đoạn 2008 - khi có nhiều chính sách ưu đãi, kích cầu nền kinh tế. Các DN vẫn đang vật lộn khó nhọc với sự bế tắc thị trường, giá cả đi xuống và những rào cản thương mại ngày càng nhiều.
Trong khi đó, việc tái cơ cấu DN, khắc phục những yếu kém nội tại dù đã được quan tâm và thực thi nhưng chưa đem lại sự chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả như mong đợi. Nội lực và sức cạnh tranh của DN chưa có nhiều chuyển biến. Vì thế, DN vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn muốn thuở về vốn, thị trường và khả năng cạnh tranh. Và bế tắc vẫn hoàn bế tắc.
Với thực tế đó, người ta đang mong đợi nhiều hơn những giải pháp tác động trực tiếp vào sức khỏe, mở ra hướng đi và cơ hội mới cho DN, để DN mạnh lên và cạnh tranh hiệu quả hơn... có như thế mới cần vốn và tiêu vốn hiệu quả. Thế nhưng, sau lộ trình giảm lãi suất, chưa có gì nhiều để trông đợi tiếp...?